VUA GIA LONG TÊN LÀ NGUYỄN PHÚC ÁNH

VUA GIA LONG TÊN LÀ NGUYỄN PHÚC ÁNH

VUA GIA LONG TÊN LÀ NGUYỄN PHÚC ÁNH

00:11 - 14/04/2022

Vua Gia Long tên là Nguyễn Phúc Ánh , ngoài ra còn có tên là Chủng và Noãn, con thứ 3 của Nguyễn Phúc Côn (Luân) và bà Nguyễn Thị Hoàn. Nguyễn Phúc Ánh sinh ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (8-2-1762).

LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU HỌC SINH, SINH VIÊN DTTS TIÊU BIỂU XUẤT SẮC NĂM HỌC 2023-2024
LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN MỚI TẠI CHI BỘ BẢO TÀNG TỈNH VĨNH PHÚC
NGÀY 10/10/1954-MỐC SON RỰC RỠ TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC
LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA PHÒNG GIÁO DỤC THÀNH PHỐ VĨNH YÊN

Vua Gia Long tên là Nguyễn Phúc Ánh , ngoài ra còn có tên là Chủng và Noãn, con thứ 3 của Nguyễn Phúc Côn (Luân) và bà Nguyễn Thị Hoàn. Nguyễn Phúc Ánh sinh ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (8-2-1762).

Vua Gia Long với vấn đề thu phục nhân tâm

Trước năm 1802, các chúa Nguyễn và kể cả Nguyễn Ánh đều coi vua Lê là chính thống; thậm chí ngay cả khi quân Thanh xâm lược, Nguyễn Ánh vẫn ủng hộ Lê Chiêu Thống như “chư hầu phò thiên tử”, mọi giấy tờ hành chính của Nguyễn Ánh cho đến ngày đánh bại Tây Sơn vẫn dùng niên hiệu Cảnh Hưng của nhà Lê. 

Điều đó đã được một giáo sĩ người Pháp đang có mặt ở đất nước ta lúc bấy giờ là Ph. Sérard xác nhận trong một bức thư đề ngày ngày 5/8/1802: “Cho tới bấy giờ chúa Nguyễn vẫn công nhận họ Lê là dòng chính thống, hễ có làm việc gì cũng nhân danh nhà Lê và chỉ xưng là Tổng trấn; chiến đấu nhân danh vua Lê và cố gắng phục hưng vương tộc đã bị giặc Tây Sơn cướp hết quyền”. Do đó, cho đến trước khi tiến quân ra Bắc Hà (1802), Nguyễn Ánh vẫn phải mượn danh nghĩa phù Lê để tranh thủ sự ủng hộ của người dân nhằm chống lại nhà Tây Sơn bởi “chỉ theo quan điểm ấy thì khắp nơi dân chúng mới sốt sắng giúp chúa và tất cả nhân dân Đàng Ngoài đều ngả về phe chúa (chỉ Nguyễn Ánh)”. 

Vậy nên, khi tiến quân ra đất Bắc, việc phải xử trí với nhà Lê như thế nào là một vấn đề hết sức khó xử đối với Nguyễn Ánh như chính ông đã từng phải than thở:

 “Bắc Hà là nước cũ của nhà Lê, từ khi liệt thánh ta xây dựng cơ nghiệp ở miền Nam, hơn 200 năm vẫn theo chính sóc nhà Lê. Gần đây Tây Sơn trộm quyền, ta phải lo dụng binh chỉ là để phục thù, mà thôi. Nay bờ cõi cũ đã được khôi phục, mà đầu sỏ giặc lại trốn ra Bắc, nếu ta cử binh Bắc phạt thì sau khi bắt được tội nhân rồi đối với nhà Lê sẽ thế nào?”. Dẫu vậy, nghe theo lời tâu của hai thuộc cấp là Đặng Đức Siêu và Trần Văn Tạc rằng: “Từ khi vua Lê chạy sang nước Thanh, đi không thấy trở lại, đất Bắc Hà đã lọt vào tay giặc Tây Sơn rồi... Nay ta diệt được giặc Tây Sơn, chiếm được đất đai, đó là ta lấy ở giặc Tây Sơn chứ không phải lấy ở nhà Lê... 

Nay ta đánh miền Bắc mà còn vẫn dùng niên hiệu nhà Lê, thực e người Bắc bảo ta mượn tiếng phù Lê, chi bằng cứ chính đế vị, đổi niên hiệu, tỏ bày đại nghĩa với thiên hạ, như thế thì được nước là chính đáng”; Nguyễn Ánh đã quyết định lên ngôi hoàng đế. Ngày 5/1/1802, Nguyễn Ánh làm lễ tế trời đất để lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long, ra chiếu tuyên cáo đế vị với thiên hạ: “Gần đây Tây Sơn nổi loạn, vận nhà Lê đã hết, hơn vài mươi năm trong nước không có chính thống... Nay ơn trời giúp đỡ, các thánh để phúc, bờ cõi cũ đã lấy lại, cơ nghiệp xưa đã trở về, các quan văn võ tại triều dâng sớ chương khuyên ta lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu... Vậy nên chuẩn lời xin đặt niên hiệu mới, định lấy ngày mồng 1 tháng 5 năm nay (1802) kính cáo trời đất, ngày hôm sau kính cáo liệt thánh, chép niên hiệu là Gia Long, để thống nhất kỷ cương, làm mới tai mắt”. 

Hành động đó của Nguyễn Ánh đã đi ngược lại với sự mong mỏi của đông đảo người dân Bắc Hà, đặc biệt là với lực lượng sĩ phu, những người vốn vẫn dành sự hoài niệm sâu sắc cho nhà Lê. Tâm tình này đã được một người nước ngoài có mặt tại đất nước ta vào thời điểm đó ghi nhận lại như sau: 

“Ông được người Đàng Ngoài ủng hộ vì họ hi vọng ngôi vua cũ sẽ được lập lại. Nhưng niềm hy vọng ấy của họ đã bị tiêu tan. Ông vua xứ Đàng Trong này lấy vương hiệu là Gia Long đã chiếm lãnh tất cả, ông ta bỏ ngôi chúa (Resgent) và tự xưng là vua (Roi)”. 

Vì lẽ đó mà sau khi đất nước được thống nhất, lòng người ở Bắc Hà vẫn chưa hướng về nhà Nguyễn mà như đại thi hào Nguyễn Du (người từng làm quan triều Lê, được bổ nhiệm chức Đông các đại học sĩ dưới thời Gia Long năm 1806) đã từng than thở:

“Một phen thay đổi sơn hà

 Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu”

(Văn tế thập loại chúng sinh)

Trong bối cảnh đó, hai chữ “phò Lê” vẫn còn là

tiếng gọi kích thích sự nổi dậy chống lại triều đình và lôi kéo được đông đảo người dân Bắc Hà tham gia. Đây là một thách thức không nhỏ cho vua Gia Long trong những năm cầm quyền của mình.

Ở phía Nam, vùng đất từ Bình Thuận trở ra Bắc tuy được khai phá bởi họ Nguyễn nhưng lại là đất phát tích của phong trào nông dân Tây Sơn. Nơi đó, người dân vẫn còn dành nhiều tình cảm cho nhà Tây Sơn bởi những chiến tích oanh liệt vào Nam ra Bắc phá cường quyền, hai lần chiến thắng giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi đất nước. Vì thế mà người dân nơi đây vẫn chưa có nhiều thiện cảm đối với vương triều Gia Long bởi chính vị vua này là người đã đánh bại vương triều Tây Sơn, lập nên triều Nguyễn.

Vùng đất Nam Bộ được khai phá muộn hơn nên vẫn còn nhiều tiềm năng, song thành phần cư dân nơi đây vốn khá đa dạng với các dân tộc: Việt, Hoa, Khmer. Cùng với sự đa dạng về sắc tộc là sự phức tạp về tầng lớp dân cư với các lớp lưu dân người Việt, Hoa di cư đến; lực lượng quân đội đồn chú của chúa Nguyễn kèm theo những tội nhân đi theo phục dịch và khai khẩn đất hoang; những người trốn tránh lao dịch của chính quyền phong kiến hay những kẻ phạm tội lẩn trốn đến nơi đây... Trong buổi đầu dựng nước, tuy tình hình dân cư ở Nam bộ chưa phải là một mối nguy cơ khiến Gia Long phải quá bận tâm nhưng về lâu dài cần phải cố kết cư dân nơi đây dưới sự cai trị và lãnh đạo của chính quyền trung ương, ngăn chặn những nguy cơ nổi loạn, nhất là từ cộng đồng người Khmer.

Như vậy, sau khi đất nước thống nhất, sự ly tán về lòng dân là một khó khăn rất lớn mà vua Gia Long phải đối mặt. Điều đó đã đặt ra cho vị vua đầu triều Nguyễn yêu cầu là phải tiến hành thu phục nhân tâm, hàn gắn lại tình cảm dân tộc vốn đã bị sứt mẻ sau bao năm bị chia cắt, từ đó tạo dựng lòng tin của dân chúng (đặc biệt là trong đội ngũ sĩ phu Bắc Hà) vào chế độ mới. Chỉ khi làm tốt điều này nhà vua mới mong giữ vững được ngai vàng và thể hiện được uy quyền trên giang sơn đó.

Những nỗ lực của vua Gia Long nhằm thu phục lòng dân trong cả nước Vua Gia Long đã sớm nhận ra thực trạng trên của đất nước và đã cho áp dụng nhiều chính sách nhằm ổn định và thu phục nhân tâm, hướng lòng người về với chế độ mới. Đối tượng trọng tâm mà các chính sách này hướng tới là các quan lại cựu thần nhà Lê cũ, tôn thất nhà Lê và con cháu họ Trịnh, các dân thiểu số ở những vùng biên giới xa xôi mà sự kiểm soát của triều đình chưa thể vươn tới.

Trước tiên, Gia Long đã cho thi hành chính sách hòa giải mà ưu tiên là hướng đến đội ngũ quan lại triều Lê. Các quan lại dưới triều Lê có thể được tha nếu họ bị ép nhận lời ra làm quan cho nhà Tây Sơn dù trong thực tế, những người này từng phục vụ cho chúa Trịnh – thế lực đã tranh chấp với chúa Nguyễn trước kia; chiếu dụ nhà vua viết rằng: “Từ khi giặc Tây Sơn nổi loạn, nhân dân lầm than đã lâu... Nay đại binh tới đâu, chỉ giết những giặc đầu sỏ, còn người nào bị ép phải theo thì đều tha, nên cứ ở yên như cũ”. 

Vua Gia Long cũng tỏ ra khoan hòa đối với những quan lại của “ngụy triều” (tức nhà Tây Sơn) nếu họ không tỏ thái độ chống đối và chấp nhận ra hàng, xuống chiếu nói rằng: “Những kẻ có nhận quan chức của giặc ra thú thì được miễn tội, gần thì hạn 3 ngày, xa thì hạn 5 ngày. Nếu quá hạn mà không ra thú, bị người ta bắt được thì làm tội”.

Đất nước mới bước ra khỏi chiến tranh nên Gia Long rất cần một đội ngũ quan lại có kinh nghiệm quản lý đất nước trong thời bình. Tuy nhiên, từ mong muốn đến thực tế vẫn còn một khoảng cách bởi dưới trướng của Gia Long trong buổi đầu cầm quyền đa phần là các võ quan dày dạn về trận mạc nhưng lại thiếu kinh nghiệm về quản lý và điều hành đất nước trong thời bình. Đó là một trở lực không nhỏ dành cho nhà vua trong việc xây dựng vương triều mới: “Gia Long đã chiến thắng tất cả các đối thủ nhưng không thể nhanh chóng ổn định xã hội, chưa thực sự tìm được một đội ngũ quan lại đáng tin cậy để phục vụ triều đình”. 

Xét về phương diện này, lực lượng sĩ phu Bắc Hà tỏ ra là những người có kinh nghiệm hơn cả. Tuy vậy, sự ly tán về lòng người ở Bắc Hà là một thực tế không dễ để san lấp như sách Đại Nam thực lục đã chép: “Ở Bắc Hà từ cuối đời Lê đến nay, lòng người loạn lạc”. 

Vậy nên, việc thu phục đi đến thu dụng lực lượng sĩ phu Bắc Hà để phục vụ cho chế độ mới không những chỉ có tác dụng quan trọng đối với hoạt động quản lý quốc gia mà còn có vai trò rất lớn trong việc ổn định và cố kết nhân tâm.

Vấn đề trên khiến vua Gia Long rất bận tâm, nhà vua đã cho áp dụng nhiều chính sách để thu dụng lực lượng này. Đầu tiên, nhà vua ra chiếu kêu gọi các cựu thần nhà Lê và những hương cống học trò ở Bắc Hà ra giúp sức cho triều đình: “Đảng ngụy dẹp yên cả rồi, vũ công đã định, sửa sang chính trị, thực ở lúc này. Nhân tài một đời há nên cùng nát với cây cỏ? Nay nên bảo nhau: tùy theo đường đi xa gần, hạn đến thượng tuần tháng 9 đều đến hành tại, do Thành quận công cùng với Thường chính hầu, Viên ngọc hầu, Lễ bộ Chiêu nghĩa hầu và Tả sử Việp quang hầu dẫn lên tiến yết, để xem lời nói, thử công việc, tùy tài bổ dụng. Không kể gì trước thuộc ngụy hay không thuộc ngụy”. 

Tiếp đến, để tỏ rõ lòng kính trọng đối với những bề tôi trung nghĩa đã tuẫn tiết vì nhà Lê, vua Gia Long đã ban chiếu trọng thưởng rất ân cần: “Khen thưởng người trung nghĩa là việc đầu của nhà nước. Mới đây giặc Tây Sơn xướng loạn, hãm hại nhân dân, những người trung nghĩa ai cũng căm giận, hoặc đương thuở nhà Lê suy yếu liều mình đánh giặc, đến khi việc nước đã hỏng mà còn cầm quân chống giặc, hết lòng hết sức, không kể được thua. 

Khi trẫm mới thu phục Gia Định, quyết chí diệt thù, cũng đã biết rõ một tấm trung thành của bọn người... Lòng ta rất thương xót. Nay đã diệt quân hung ác, cả định võ công, nghĩ đến những người trung nghĩa ấy chính nên khen thưởng. Vây hạ lệnh cho các địa phương Bắc Thành và Thanh Nghệ, xét trước đây có ai theo nghĩa bỏ mình thì cho con cháu họ hàng đem việc bày tâu, xét ban tuất điển”.

Điều đó đã có tác dụng không nhỏ giúp xoa dịu những sự chán chường trong hàng ngũ các cựu thần nhà Lê.

Sau chiến tranh, tình trạng bất ổn vẫn còn xảy ra ở một số nơi, đặc biệt là ở đất Bắc Hà như sử sách triều Nguyễn đã thừa nhận: “Bắc thành từ cuối đời Lê tới nay, quyền cương đảo lộn, chính sự trễ tràng... dân phong ngày thêm điêu bạc, kiện tụng rối bời, trộm cướp tứ tung”. Nhằm tranh thủ cảm tình của người dân Bắc Hà vốn còn nặng tư tưởng hoài niệm, luyến tiếc về nhà Lê, Gia Long đã có nhiều động thái chứng tỏ lòng tôn quân đối với tiên triều, nhà vua đã căn dặn quần thần rằng: “Vương giả lúc mới được nước, phải tôn trọng triều đại trước, là giữ đạo trung hậu”. Nhà vua rất quan tâm đến việc giữ gìn đền miếu, lăng mộ của các vua Lê, cho sửa chữa cung điện ở Lam Kinh vốn đã bị tàn phá nặng nề bởi những cuộc binh lửa trước đó. Gia Long đã thân chinh ngự giá đến Thanh Hóa, xem hình thế núi sông, hỏi các bậc hương lão địa phương về việc miếu nhà Lê. Bên cạnh đó, nhà vua còn cho xây dựng đền vua Lê ở Bố Vệ(tên xã, thuộc huyện Đông Sơn, là đất cũ trung hưng nhà Lê). Hằng năm đều tổ chức thờ tế các vua Lê theo những nghi lễ rất trang trọng như lời nhà vua nói với triều thần: “Giữ việc thờ cúng nhà Lê là trọng 

được cấp 500 mẫu tư điền để coi việc tế tự, 240 người con cháu họ Trịnh cũng được tha binh dịch và thuế thân.

Đối với những vùng biên giới xa xôi của đất nước mà triều đình chưa có điều kiện vươn tầm kiểm soát đến thì Gia Long cũng cho thi hành những chính sách khôn khéo để vỗ về lòng dân nơi đây. Vào cuối tháng 6 năm Nhâm Tuất 1802, Gia Long đã ra chiếu trấn an và kêu gọi các thổ tù vùng biên giới phía Bắc cộng tác với triều đình: “Các thổ tù ở Tuyên Quang, Hưng Hóa và Thái Nguyên phần nhiều còn mang lòng chờ xem. Vua muốn dùng văn cáo để vỗ yên, sai tuyên bố lời dụ bảo cho những điều họa phúc, do đó họ kế nhau đến hành tại triều kiến”. Để liên kết sức mạnh của tất cả các tộc người này tạo nên một quốc gia hùng mạnh, khi còn ở Bắc Hà, Gia Long mời họ về Thăng Long và tiến hành ban quan chức cho họ. Theo đó, Hà Công Thái ở Thanh Hóa có công được ban tước Quận công. Phiên thần Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên là Nùng Phúc Kiêm, Ma Thế Cố làm Tuyên úy đại sứ. Ma Sỹ Trạch, Nguyễn Hoàng Chiếu, Nguyễn Khắc Trương, Ma Thế Nhi, Đinh Công Vượng, Đinh Công Trinh làm Tuyên úy sứ; Đinh Công Kiêm làm Chiêu thảo sứ; Phan Bá Phụng làm Khâm sai cai đội”.

Vùng đất biên giới Tây Nam đất nước mới thuộc về nước ta chưa lâu nên vẫn rất hoang vu, hiểm trở, dân tình còn chưa ổn định. Trên vùng đất này, ngoài các lớp lưu dân người Việt còn có các dân tộc thiểu số khác. Do đó, để ổn định xã hội, thu phục và cố kết nhân tâm trong công cuộc bảo vệ đất nước, bảo vệ lãnh thổ; Gia Long đã thực hiện chính sách hòa hợp, lấy vấn đề yên dân làm trọng. Đối với dân Phiên (tức người Cao Miên hay người Man) thì vua Gia Long dùng chủ trương vỗ về phủ dụ, thu phục lòng người để họ tự nguyện thần phục triều đình, nhà vua xuống chiếu dụ rằng: “Chi bằng nên hiệu triệu binh Phiên, thu dụng các quan thuộc Phiên, để lúc không việc thì phòng giữ tự vệ, lúc có việc thì chống giặc đánh thù, thế mới thực là mưu hay giữ nước”. 

Bên cạnh đó, vua Gia Long chủ trương duy trì những phong tục tập quán, lề lối sinh hoạt của các sắc tộc địa phương nhằm làm cơ sở để thi hành một chính sách “đồng hóa” dưới hình thức ôn hòa. Nhà Nguyễn cho phép người Kinh sang khai khẩn sống lẫn với người Phiên, người Thổ trên những vùng đất còn hoang hóa ở thành Trấn Tây (Nam Vang trước đây) để cho người Man dần dần hòa nhập cùng phong tục tập quán của người Kinh, tạo thành một bức tường dân cư vững mạnh chống lại sự xâm phạm biên cương từ bên ngoài. Chính sách đó đã được sách Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ khái quát lại như sau: “Đất Man đã lâu thuộc vào bản đồ thì dân Man cũng là con đỏ của chúng ta. Cần phải dạy bảo dẫn dắt... Vậy cho các viên tướng, tham tán trong khi giảng võ ở nơi biên cương được rỗi rãi thường dạy bảo cho dân xứ này. Phàm hết thảy các thứ thường dùng nên học tập dân Kinh, siêng năng làm việc. Đến cả nói năng, ăn uống, quần áo cũng dần dần học theo phong tục người Kinh, tùy nghi chỉ bảo”. Một bộ phận không nhỏ người dân Khmer sinh sống trên đất nước ta lúc bấy giờ chưa có tên, họ. Điều đó gây khó khăn cho việc quản lý hành chính và cố kết dân cư của chính quyền. Trước tình hình đó, năm 1802, vua Gia Long đã ban cho người Khmer 5 họ: Thạch, Lâm, Sơn, Kim, Danh. Điều đó đã giúp gia tăng sức ảnh hưởng của triều đình lên cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ, đồng thời giúp sự cố kết cộng động người Khmer nơi đây thêm chặt trẽ hơn. Nhờ đó mà trong suốt thời Gia Long, vùng biên giới Tây Nam ít xảy ra các cuộc nổi loạn chống lại triều đình, biên cương tổ quốc được giữ vững.

Thành công và hạn chế

Với thái độ mang tính cầu thị, hoạt động thu phục nhân tâm dưới thời vua Gia Long đã đạt được một số kết quả tích cực rất đáng ghi nhận. Nó đã góp phần giúp ổn định nhân tâm; lôi cuốn được một bộ phận sĩ phu Bắc Hà bao gồm cả những cựu thần nhà Lê và quan lại của triều Tây Sơn ra giúp sức cho chính quyền mới: “Các quan văn võ triều Lê trước và quan ngụy Tây Sơn ra hàng, đến cửa bái yết, đều tùy tài bổ dụng”28. Đồng thời, nhiều sĩ phu còn sống ẩn dật hòng xa lánh thời cuộc ở Bắc Hà đã “tranh nhau ra giúp việc”và nhiều người trong số họ đã đứng vào hàng ngũ quan lại triều đình nhà Nguyễn trong buổi ban đầu như: Nguyễn Duy Hợp làm Thị trung trực học sĩ, lãnh chức Hiệp trấn Kinh Bắc; Lê Duy Đản làm Kim Hoa điện trực học sĩ, lãnh chức Hiệp trấn Lạng Sơn; Lê Duy Trầm, Ngô Xiêm và Nguyễn Đình Tứ làm Thái hòa điện học sĩ; Nguyễn Đường làm Kim hoa điện học sĩ; Phạm Tích, Võ Trinh làm Thị Trung học sĩ; Vũ Đình Tử, Nguyễn Huy Thảng làm Cẩm chính điện học sĩ.... Đó là một nguồn bổ sung quan trọng cho việc thiếu hụt những quan lại có trình độ học vấn dưới triều Gia Long. Bằng những biện pháp phù hợp mà Gia Long cho triển khai đã giúp tình hình ở những vùng biên giới của tổ quốc được ổn định, biên cương nước nhà nhờ đó được giữ vững. Nhìn chung, những chính sách thu phục nhân tâm mà Gia Long ban bố thi hành nêu trên đã góp phần đưa việc quản lý xã hội đi vào quy củ, có tác dụng rất lớn tới việc ổn định xã hội, ổn định lòng dân, tăng cường sự nhất thống của triều Nguyễn.

Tuy vậy, hành động trả thù nhà Tây Sơn một cách thái quá đã tạo ra những ấn tượng ban đầu không mấy thiện cảm về vương triều mới trong tâm tưởng của dân chúng. Về điểm này, vua Gia Long đã không thể vượt qua được những hận thù của dòng họ để có một cái nhìn hướng đến “toàn cuộc”, ông không có đủ sự rộng lượng để có những hành động nhân đạo hơn dành cho những người đứng đầu trong bộ máy chính quyền Tây Sơn. Điều đó đã khiến lòng tin của dân chúng vào triều Nguyễn ít nhiều bị ảnh hưởng, nhất là ở những nơi mà người dân còn dành nhiều tình cảm cho nhà Tây Sơn như Bình Định. Nhiều cuộc khởi nghĩa do các tướng lĩnh của triều Tây Sơn lãnh đạo đã nổ ra, đe dọa nghiêm trọng đến sự yên bình của đất nước.

Bên cạnh đó, vua Gia Long đã cho áp dụng một loạt những chính sách để làm suy giảm ảnh hưởng của nhà Lê còn đọng lại trong dân chúng như phá hoàng thành Thăng Long được xây dựng từ thời Lê Sơ để chuyển vật liệu về xây dựng kinh đô Huế, xóa bỏ tên gọi Thăng Long và đặt ra trấn Bắc Thành, xóa bỏ 6 trường thi hương ở Bắc Hà... Dù rằng những biện pháp trên là cần thiết để hướng lòng dân về với chính quyền mới, tuy nhiên điều đó lại được thực hiện một cách vội vàng đã không khỏi gây ra những xáo trộn về mặt tâm tưởng cho người dân ở Bắc Hà. Có lẽ vì thế mà trong suốt thời Gia Long, phần lớn các cuộc nổi dậy chống triều đình diễn ra ở Bắc Hà và đều mượn danh nghĩa là “phò Lê”, lôi kéo được đông đảo dân chúng tham gia như trong lời tấu của Nguyễn Văn Thành vào năm 1808 đã nêu rõ: “mấy bọn trộm cướp ngoài Bắc thành giả danh tôn nhà Lê, ngu dân mắc lầm cũng nhiều”. Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành phải sai Trần Hựu làm “Điểm mê khúc”bằng tiếng nôm để hiểu thị cho dân, dân chúng Bắc thành lại làm bài hát “tố khuất”, tố cáo quan lại tham tàn. Đỉnh điểm cho những hành động mang tính chất “chính thống” đó là âm mưu làm phản của Diên tự công Lê. 

Kết. 

Là một người từng trải, Gia Long hiểu rằng sự chia rẽ về mặt nhân tâm là một mối nguy cơ có thể gây sụp đổ triều đại. Trong giai đoạn của mình, vua Gia Long đã có rất nhiều những cố gắng nhằm hàn gắn, thu phục nhân tâm trong cả nước vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng sau một thời gian dài chiến tranh loạn lạc. Những cố gắng đó của nhà vua đã ít nhiều mang lại những hiệu quả nhất định, giúp làm giảm bớt những nỗi đau mà chiến tranh tạo ra, ổn định lòng dân, tăng cường sự nhất thống của triều Nguyễn. Tuy vậy, những nỗ lực đó là chưa đủ nếu so với hoàn cảnh thực tế; trong một số trường hợp, thậm chí còn mắc phải những hạn chế, sai lầm. Điều đó khiến cho hiệu lực của các chính sách thu phục nhân tâm mà vua Gia Long đề ra bị giảm sút. Lòng người vẫn còn nhiều nỗi băn khoăn, lo âu dù cho đất nước đã thống nhất.

Dữ liệu sưu tâm từ trang" Góc Nhìn An Nam"