Hình thành và phát triển
Vĩnh Phúc là vùng đất có vị thế đặc biệt trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của quốc gia - dân tộc; thuộc đất cổ xứ Đoài, là trung tâm của Bắc bộ Việt Nam, nằm trọn trong vùng chuyển tiếp địa - văn hóa miền núi, trung du Tây Bắc xuống đồng bằng Đông Nam châu thổ Bắc bộ, là miền giao thoa giữa vùng văn hóa Hùng Vương với văn hóa Kinh Bắc - Thăng Long. Nơi đây từng giữ vai trò thủ phủ của đất nước, là phên dậu bảo vệ kinh đô qua các thời kỳ, giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, có nền văn hóa phát triển rực rỡ, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, hội nhập và phát triển trong thời kỳ đổi mới.
Với bề dày truyền thống lịch sử và những đặc trưng văn hóa của miền địa linh, nhân kiệt, công tác Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, chỉ đạo qua các thời kỳ và có những đống góp không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
1.Từ 1950 - 1968: Đây là giai đoạn tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập (tháng 2/1950) công tác bảo tồn, bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc sơ khai đươc hình thành, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song ngày từ những ngày đầu tại Vĩnh Phúc đã có những bộ sưu tập hiện vật khá phong phú, hàng loạt bảo tàng xã được xây dựng, đã tuyên truyền tốt về truyền thống quê hương và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đặc biệt có những bảo tàng gánh - chẳng hạn như Bảo tàng gánh do ông Phạm Văn Cối, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên đã để lại những dấu ấn khó quên trong ký ức của nhân dân, nhiều sưu tập hiện vật khảo cổ được phát hiện, điển hình là sưu tập hiện vật phát hiện tại di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, xã Minh Tân, huyện Yên Lạc phát hiện năm 1962, các sưu tập biện vật gắn liền với quá trình xây dựng CNXH với các HTX điển hình như Hòa Loan chăn nuôi giỏi, trồng cây giỏi Lạc Trung (Vĩnh Tường) xây dựng HTT nông nghiệp tiên tiến, điển hình tại Lai Sơn (Tam Dương) …cùng nhiều sưu tập phản ánh quân dân Vĩnh Phúc chi viện và trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Nam...
2. Từ năm 1968 -1997: Tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập với tỉnh Phú Thọ, công tác bảo tồn, bảo tàng của Vĩnh Phúc có những đóng góp tích cực, phong phú, hấp dẫn trong các sưu tập hiện vật và sự phát triển của Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phú.
3. Từ năm 1997 đến nay: Năm 1997 tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Ngày 24/01/1997 UBND tỉnh đã ra Quyết định số 91/QĐ-UB thành lập Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao, trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ là một thiết chế văn hóa gồm các khâu nghiệp vụ (nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và phổ biến các hiện vật bảo tàng) mà còn phải quản lý chỉ đạo đồng bộ giữa công tác bảo tồn và bảo tàng bao gồm: Khảo cứu lập hồ sơ xếp hạng, tu bổ tôn tạo phát huy tác dụng các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống, nghiên cứu sưu tầm, phát huy giá trị truyền thống hiếu học và khoa bẳng Vĩnh Phúc tại Văn miếu tỉnh và giúp đỡ công tác nghiệp vụ xây dựng các nhà, phòng truyền thống huyện, xã và các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh. Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đã được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc thuộc Bảo tàng hạng II tại Quyết định số 2636/QĐ-UB ngày 30/11/2000.
- Năm 2004. phòng nghiệp vụ bảo tồn di tích tách ra và làm nòng cốt để thành lập Ban quản lý di tích tỉnh.
- Năm 2018, tại Quyết định số 1016/QĐ-UBND, ngày 28/4/2020 UBND tỉnh về việc tổ chức lại Ban quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh thành Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc.
Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm của tỉnh và sự chỉ đạo sát sao của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác bảo tàng Vĩnh Phúc ngày càng phát triển và trưởng thành cả về quy mô và chất lượng...
3.1.Hoạt động nghiệp vụ bảo tàng
Hàng năm, Bảo tàng tỉnh tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện một cách đồng bộ 6 khâu công tác nghiệp vụ bảo tàng gồm nghiên cứu, sưu, tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và tuyên truyền.
- Công tác nghiên cứu khoa học: Là một hoạt động, là nền tảng và động lực thúc đẩy toàn bộ hoạt động của bảo tàng.
Kết quả từ năm 2000 đến nay, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đã nghiên cứu và thực hiện 01 dự án (Dự án trưng bày nội thất Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc phần 2: Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 1930 đến nay), nghiên cứu và biên tập các sách: Vĩnh Phúc thời tiền sơ sử, Liệt sỹ Nguyễn Thái Học, Các dân tộc thiểu số Vĩnh Phúc, Gốm và nghề gốm Vĩnh Phúc…tiến hành nghiên cứu xây dựng 100 đề cương sưu tầm hiện vật, 120 đề cương trưng bày chuyên đề và trưng bày lưu động; nghiên cứu 03 đề tài cấp tỉnh, xây dựng 01 hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia (Tháp gốm men chùa Trò)…Song song với công tác nghiên cứu tại đơn vị, Bảo tàng tỉnh còn tiến hành nghiên cứu tư liệu, lịch sử địa phương tổ chức các cuộc khảo sát, điền dã, gặp gỡ, ghi chép chuyện kể, khai thác tư liệu của các nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng tại các địa phương trong tỉnh đã có công lao trong các cuộc kháng chiến của dân tộc; nghiên cứu viết hàng trăm tin, bài, chuyên đề về di sản văn hóa Vĩnh Phúc gửi và đăng tin trên các tạp chí chuyên ngành, báo, cổng thông tin điên tử ở trung ương và địa phương.
- Công tác sưu tầm: Bảo tàng tỉnh đã tập trung nguồn lực tổ chức nhiều đợt sưu tầm. Phạm vi sưu tầm không dừng lại ở nững địa phương trong tỉnh mà đã mạnh dạn vươn ra các địa phương liên quan, các trung tâm lưu trữ, các viện nghên cứu và các tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước.
Kết quả đã tổ chức sưu tầm 6000 hiện vật thông qua các hình thức: Sưu tầm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh, tiếp nhận từ các đợt khai quật khảo cổ học trên địa bàn tỉnh như di chỉ Đồng Đậu, Lũng Hoà, Gò Hội, Yên Lập; nhận hiến tặng từ các tổ chức, cá nhân, nhà sưu tầm cổ vật tư nhân, các gia đình có công với cách mạng, các hội viên, các chiến sỹ… đã từng tham gia vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn chung kết quả các chương trình nghiên cứu, sưu tầm trên đã giúp Bảo tàng có định hướng đúng, triển khai có hiệu quả việc bổ sung, chỉnh lý trưng bày thường trực, tổ chức trưng bày chuyên đề, phát huy giá trị di sản văn hóa.
- Công tác kiểm kê: Bảo tàng đã lập hồ sơ, lý lịch, hệ thống sổ sách, phích phiếu cho 12.000 hiện vật. Hoàn thiện việc kiểm kê nhập dữ liệu theo phần mềm của Cục Di sản Văn hóa, tổ chức thực hiện nghiêm Quy chế kiểm kê hiện vật bảo tàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như đánh số hiện vật, tiêu biểu là các sưu tập tiền cổ Việt Nam, hiện vật khảo cổ học Đồng Đậu, Lũng Hòa, các hiện vật thuộc làng nghề thủ công truyền thống của tỉnh: Gốm Hương Canh, đá Hải Lựu, rèn Lý Nhân và sưu tập kỷ vật chiến tranh.
- Công tác bảo quản: Tiến hành bảo quản hơn 21.563 hiện vật, tài liệu đủ các loại vô cơ, hữu cơ theo đúng chế độ, phục vụ tốt cho công tác lưu giữ, bảo quản và trưng bày như các sưu tập hiện vật gỗ, giấy, kim loại tại kho cơ sở, các bộ di cốt người thuộc văn hóa Phùng Nguyên tại phòng trưng bày. Bảo quản bảo vật quốc gia Tháp gốm men chùa Trò, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc tại Bảo tàng tỉnh.
- Công tác trưng bày: Trưng bày là bộ mặt của bảo tàng mà hiện vật chính là ngôn ngữ của nó, xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng nêu trên, Bảo tàng đã thường xuyên chỉnh lý, chỉnh trang, cải tiến phương pháp trưng bày giai đoạn 1: Vĩnh Phúc thời tiền sơ sử đến năm 1930, nhằm nâng cao chất lượng nội dung, hình thức hệ thống trưng bày thường trực để phục vụ khách tham quan.
Đặc biệt, năm 2018, Bảo tàng đã khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống trưng bày giai đoạn 2: Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 1930 đến nay, việc hoàn thành trưng bày nội thất phần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần bổ sung, khắc phục sự thiếu hụt về nội dung nhằm đảm bảo tính xuyên suốt, toàn diện cho hệ thống trưng bày thường trực. Việc đầu tư, lắp đặt những trang thiết bị trưng bày mới, hiện đại như đèn led chiếu sáng, màn hình cảm ứng, hệ thống nghe nhìn, âm thanh ánh sáng…đã đem lại những hiệu quả thiết thực, làm phong phú và tăng tính hấp dẫn cho trưng bày bảo tàng được khách tham quan đánh giá cao.
Bên cạnh hệ thống trưng bày thường trực được đầu tư, chỉnh lý và nâng cấp, Bảo tàng đã tập trung đẩy mạnh và tổ chức thành công 70 cuộc trưng bày chuyên đề có nội dung sâu sắc, hấp dẫn, các trưng bày chuyên đề được tổ chức tại Bảo tàng và trưng bày lưu động tại các địa phương trong tỉnh, tiêu biểu là các trưng bày chuyên đề: “Di sản văn hóa Vĩnh Phúc”, “Đồng Đậu - 40 năm phát hiện và nghiên cứu” “Làng nghề thủ công truyền thống Vĩnh Phúc”, “Đổi mới- Hành trình của những ước mơ; Kim Ngọc - người tiên phong trong hành trình đổi mới”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc”, “Học sinh miền Nam Vĩnh Phú - 50 năm ký ức và nghĩa tình”, “Di sản văn hóa thời Lý - Trần trên đất Vĩnh Phúc”, “Vĩnh Phúc - miền địa linh nhân kiệt”, “Tây Thiên trong lịch sử”, “Hoàng Sa, Trường Sa - những bằng chứng lịch sử và pháp lý”…
Thông qua trưng bày thường trực và các trưng bày chuyên đề, Bảo tàng đã góp phần giới thiệu quảng bá lịch sử, di sản văn hóa, hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc với khách tham quan trong nước và quốc tế, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời đưa Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch trong hành trình tham quan du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.Công tác tuyền truyền và giáo dục, công chúng: Bảo tàng luôn chủ động, duy trì thực hiện tốt việc đón tiếp, tổ chức hướng dẫn, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên; đẩy mạnh các chương trình giáo dục...
3.2.Hoạt động bảo tồn di tích.
-Về xếp hạng di tích: Tiến hành lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng 242 di tích, trong đó: 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 03 di tích cấp quốc gia, 236 di tích cấp tỉnh.
-Về bảo quản, tu bổ, phục hồ di tích: Thực hiện bảo quản, tu bổ, tôn tạo bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa.
- Về ngăn chặn vi phạm di tích: Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương kiểm tra, xử lý các vi phạm về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến khoanh vùng di tích, an toàn di vật, trùng tu, tôn tạo...
- Về bảo vệ di vật, cổ vật và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể: Tiến hành kiểm kê di vật, cổ vật, kiểm tra hiện trạng ở 03 di tích quốc gia đặc biệt, 65 di tích xếp hạng cấp quốc gia, hơn 400 di tích cấp tỉnh; kiểm tra, thống kê các di tích trên địa bàn huyện, thành phố như: Vĩnh Tường, Vĩnh Yên, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo, Tam Dương. Phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại địa phương nhằm trang bị kiến thức cho những người trực tiếp trông coi di tích và cán bộ văn hóa cơ sở.
3.3.Hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể
- Về công tác kiểm kê:Tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 04/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Công bố danh mục kiểm kê với 571 di sản thuộc 07 loại hình tồn tại ở 135 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 526 di sản đang tồn tại và duy trì tốt; 16 di sản đang còn tồn tại nhưng có nguy cơ mai một; 29 di sản đã bị mai một.
- Về ghi danh di sản văn hóa phi vật thể. Tiến hành lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền ghi danh. Tính đến tháng 8/2021: Tỉnh Vĩnh Phúc có 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (di sản Kéo song ở Hương Canh - Bình Xuyên) và 06 di sản khác được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Về truyền dạy và phát huy di sản văn hóa phi vật thể
+ Công tác truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian được thực hiện tương đối tốt. Hiện nay, toàn tỉnh có 27 câu lạc bộ dân ca dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số Sán Dìu, Cao Lan với hàng trăm học viên ở độ tuổi từ 60-70 tuổi. Các câu lạc bộ hát chèo ở Thổ Tang (Vĩnh Tường), Yên Đồng (Yên Lạc), Tân Phong (Bình Xuyên) và các câu lạc bộ hát Trống quân Đức Bác (huyện Sông Lô) hoạt động rất hiệu quả. Bên cạnh những thành tựu đạt được trong việc truyền dạy loại hình nghệ thuật truyền thống thì các loại hình khác như: Tri thức dân gian (ẩm thực…), nghề truyền thống, trò diễn dân gian (chạy cày, đúc bụt, tứ dân chi nghiệp…) đang được bảo tồn tốt. Riêng loại hình tiếng nói chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một cần được bảo vệ khẩn cấp.
+ Phục dựng 06 lễ hội truyền thống gồm: Lễ hội đình Phú Cả (xã Liên Hoà, huyện Lập Thạch), Lễ hội đền Thính (xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc), Lễ hội Đúc Bụt (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương), Lễ hội cướp cây bông (xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô), Lễ hội chạy cày (xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, Lễ hội đền Dội (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường)...
+ Tôn vinh nghệ nhân: Đã lựa chọn hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng 25 danh hiệu, trong đó: 01 danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, 24 danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Loiạ hình Nghệ nhân trình diễn dân gian: 23; nghệ nhân tập quán xã hội và tín ngưỡng: 02.
3.4.Hoạt động khai thác và phát huy Văn miếu tỉnh
- Văn miếu tỉnh nằm tại số 1, phố Đặng Dung, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, khởi công xây dựng năm 2012, khánh thành (giai đoạn 1) năm 2017. Diện tích hơn 4,2 ha gồm các công trình kiến trúc khang trang, quy mô bề thế (nhà bia, sân hành lễ, nhà tiền tế, hậu cung, nhà tả hữu - mạc…).
- Hàng năm, Văn miếu tỉnh đã hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục về truyền thống khoa cử của tỉnh Vĩnh Phúc thông qua hệ thống thờ tự, văn bia, tài liệu hiện vật tới công chúng. Tổ chức các hoạt động tôn vinh, tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong học tập và công tác. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, các trò chơi dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa các địa phương trong tỉnh.
Hàng năm, Văn miếu tỉnh đón và phục vụ 20.000 lượt khách tham quan.
3.5.Hoạt động hợp tác chuyên ngành
Trong 20 năm, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đã đón và phục hơn 1 triệu lượt khách tới tham quan, gồm khách quốc tế, khách trong nước, trong đó đối tượng học sinh, sinh viên chiếm phần lớn. Tổ chức các chương trình tham quan gắn với giáo dục truyền thống và học lịch sử thông qua hệ thống trưng bày bảo tàng như chương trình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, tham gia khóa học “Mùa hè trải nghiệm” cho học sinh trên địa bàn tỉnh.
Tuyên truyền, quảng bá về Bảo tàng Vĩnh Phúc, về di sản văn hóa Vĩnh Phúc trong đó tập trung giới thiệu Bảo vật quốc gia Tháo gốm men chùa Trò và 3 di tích Quốc gia đặc biệt: Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn, di tích danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo, di tích kiến trúc đình Thổ Tang, trên các phương tiện thông tin đại chúng: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PTTH Vĩnh Phúc, Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, Truyền hình Quốc phòng, Báo Vĩnh Phúc, tạp chí Di sản văn hóa…
- Hoạt động hợp tác chuyên ngành: Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp đã với các cơ quan, đơn vị ở trung ương, các tỉnh và trong tỉnh tổ chức các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
+ Với các tổ chức, đơn vị trong tỉnh: Phối hợp và giúp đỡ và tổ chức thi công trưng bày các nhà truyền thống, phòng truyền thống và tổ chức các cuộc trưng bày giới thiệu những thành tựu của địa phương, của ngành và những tinh hoa di sản văn hóa Vĩnh Phúc.
+ Với các Bảo tàng Trung ương: Phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Phối hợp với Viện 69 - Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Báo chí, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3, Bảo tàng Hùng Vương trao đổi, cung cấp thông tin hiện vật và tổ chức trưng bày các chuyên đề giới thiệu về di sản văn hóa dân tộc, về biển đảo quê hương, về thành tựu kinh tế xã hội của đất nước và quê hương Vĩnh Phúc, bảo quản, phân loại chỉnh lý sưu tập hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội.
+ Với các chuyên gia nước ngoài: Phối hợp với các chuyên gia Viện Nghiên cứu Văn vật khảo cổ Tứ Xuyên (Trung Quốc), chuyên gia Viện nghiên cứu khảo cổ Kashinara (Nhật Bản) nghiên cứu về văn hóa Phùng Nguyên trên đất Vĩnh Phúc, Văn phòng trường Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội nghiên cứu đồ gốm sứ từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII tại kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh.
Ghi nhận những thành tích đạt được, Bảo tàng tỉnh đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2004, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu các Bảo tàng toàn quốc, năm 2002, năm 2019, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc Bằng khen và danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc nhiều năm.
Có thể nói, qua quá trình xây dựng và phát triển, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng lớn mạnh vói đội ngũ cán bộ, viên chức ngày càng trưởng thành, có năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu thực tiẽn, có đủ điều kiện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ với phạm vi, cấp độ nghiên cứu, tổ chức thực hiện ngày càng cao. Bảo tàng đã không ngừng đã không ngừng tăng cường kết nối với các bảo tàng ở trung ương, bảo tàng các tỉnh trong các hoạt động nghiệp vụ; thực sự trở thành một trung tâm văn hóa khoa học, giao lưu trên lĩnh vực bảo tàng, bảo tồn, phát huy di sản. Thông qua hoạt động của mình, Bảo tàng đã có những đóng góp quan trọng vào việc góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giới thiệu, quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa của đất và người Vĩnh Phúc với khách tham quan trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, đó mới chỉ là khởi đầu của một hành trình mới với nhiều khát vọng, tiềm năng của Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc còn rất lớn, cần tiếp tục được khai thác và phát huy mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Thời gian tới, trước những yêu cầu của thời kỳ mới sẽ còn nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi mỗi cán bộ, viên chức, cần nỗ lực cố gắng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc thành một trong những bảo tàng tiên tiến và hiện đại, phục vụ tham quan, nghiên cứu và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.