VĂN MIẾU TỈNH - ĐIỂM DU LỊCH GIÁO DỤC LỊCH SỬ HẤP DẪN

VĂN MIẾU TỈNH - ĐIỂM DU LỊCH GIÁO DỤC LỊCH SỬ HẤP DẪN

VĂN MIẾU TỈNH - ĐIỂM DU LỊCH GIÁO DỤC LỊCH SỬ HẤP DẪN

08:05 - 26/02/2024

Văn Miếu tỉnh được xây dựng năm 2012 tại khu Gò Cháo, thuộc phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên với tổng diện tích hơn 4,2 ha. Năm 2017, công trình được đưa vào sử dụng, phục vụ du khách tham quan, chiêm bái.

Văn Miếu tỉnh là công trình văn hóa trọng điểm, chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (1997 - 2017), nơi thờ các bậc Tiên thánh, Tiên nho và danh nhân khoa bảng của Vĩnh Phúc trải qua các thời kỳ từ thời Lý đến thời Nguyễn; biểu t

LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA PHÒNG GIÁO DỤC THÀNH PHỐ VĨNH YÊN
CHIẾC ÁO - KỶ VẬT CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
TRẢI NGHIỆM VĂN NGHỆ DÂN GIAN TẠI VĂN MIẾU TỈNH VĨNH PHÚC
TRIỂN LÃM CHUYÊN ĐỀ VĨNH PHÚC LÀM THEO LỜI BÁC

Văn Miếu tỉnh được xây dựng năm 2012 tại khu Gò Cháo, thuộc phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên với tổng diện tích hơn 4,2 ha. Năm 2017, công trình được đưa vào sử dụng, phục vụ du khách tham quan, chiêm bái.

Văn Miếu tỉnh là công trình văn hóa trọng điểm, chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (1997 - 2017), nơi thờ các bậc Tiên thánh, Tiên nho và danh nhân khoa bảng của Vĩnh Phúc trải qua các thời kỳ từ thời Lý đến thời Nguyễn; biểu tượng cho truyền thống văn hiến, truyền thống hiếu học của nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Công trình Văn Miếu tỉnh có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách truyền thống và hiện đại, là quần thể kiến trúc tập hợp nhiều hạng mục. Mỗi hạng mục vừa là thành tố của cả quần thể, vừa có chức năng riêng.

Cả quần thể được bố trí theo thứ tự từ ngoài vào trong (kiểu đối xứng trên trục thần đạo) gồm: Tứ trụ, cầu đá, Văn miếu môn, nhà bia tổng, giếng thiên quang, nhà bia Tiến sĩ, Đại Thành môn, lầu chuông, gác trống, nhà tả vu, hữu vu, sân hành lễ và khu nhà thờ chính.

Tiền thân của Văn Miếu tỉnh ngày nay là Văn Miếu phủ Tam Đới, có niên đại vào khoảng thế kỷ XV đặt tại xã Cao Xá, huyện Bạch Hạc (nay là xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường) ra đời vào khoảng niên hiệu Hồng Đức, thuộc đời vua Lê Thánh Tông (1470-1497) là hình mẫu tiêu biểu cho một Văn miếu cấp phủ ở Việt Nam thời Lê Trung Hưng.

Đến năm 1822, phủ Tam Đới được đổi tên là phủ Vĩnh Tường, nên gọi là Văn Miếu phủ Vĩnh Tường. Sau khi tỉnh Vĩnh Yên được thành lập, đến năm 1925, Văn Miếu phủ Vĩnh Tường được di dời về trung tâm tỉnh lỵ, đặt tại gò Giác Lạc ở phía Bắc phường Định Trung ngày nay và có tên gọi là Văn Miếu tỉnh Vĩnh Yên.

Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lê Hải chia sẻ: "Văn Miếu tỉnh là công trình văn hóa trọng điểm mang nhiều giá trị lớn lao và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá giá trị của công trình luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Chúng tôi quán triệt đến toàn thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị chú trọng ngay từ việc nâng cao tính chuyên nghiệp, nền nếp trong việc phục vụ, tiếp đón du khách, nhân dân khi tới tham quan, chiêm bái tại Văn Miếu tỉnh.

Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, thuyết minh, hướng dẫn để du khách, nhân dân, đặc biệt là đối với giới trẻ, các em học sinh hiểu về giá trị văn hóa, lịch sử của Văn Miếu tỉnh cũng như truyền thống hiếu học, khoa cử của quê hương Vĩnh Phúc.

Triển khai thực hiện và đưa vào vận hành hệ thống thuyết minh tự động bằng 4 thứ tiếng (Việt, Anh, Hàn, Nhật), trên nền tảng ứng dụng 63 STravel. Phát huy tiện ích, lợi thế, hiệu quả của công nghệ thông tin, công nghệ số để du khách, nhân dân có thể dễ dàng và chủ động tiếp cận thông tin giới thiệu về Văn Miếu tỉnh, kể cả tiếp cận từ xa.

Thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm và các hoạt động phù hợp nhằm làm phong phú các hoạt động tại Văn Miếu; duy trì không gian, cảnh quan sạch đẹp, làm nổi bật vẻ đẹp về cảnh quan kiến trúc của công trình.

Đồng thời thí điểm đưa một số dịch vụ phụ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, góp phần thu hút du khách, nhân dân đến với Văn miếu Vĩnh Phúc ngày càng nhiều hơn".

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Trên hành trình đi du lịch một số địa điểm ở Vĩnh Phúc đầu Xuân năm mới, gia đình tôi đã quyết định tới thăm Văn Miếu tỉnh.

Không gian, kiến trúc, cảnh quan ở đây rất thoáng đẹp, nơi dừng chân lý tưởng để chiêm bái, nghỉ ngơi cũng như chụp ảnh check-in. Các con tôi rất thích thú khi được xem, nghe giới thiệu về truyền thống lịch sử, khoa bảng của Vĩnh Phúc - quê nội của các cháu. Nếu có dịp, gia đình chúng tôi chắc chắn sẽ quay lại đây nhiều lần nữa”.

Có thể thấy, với nhiều giải pháp hiệu quả được Bảo tàng tỉnh triển khai trong thời gian qua đã góp phần nâng tầm và phát huy tốt giá trị của quần thể Văn Miếu tỉnh, đưa Văn Miếu tỉnh trở thành một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn thu hút nhiều du khách tới tham quan, chiêm bái.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Văn Miếu tỉnh đã đón hơn 10 nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm bái; riêng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã đón hơn 6.000 lượt khách.