NGUYỄN VĂN BẠCH - NGƯỜI CHIẾN SỸ NĂM XƯA TẠI TRẬN ĐÁNH ĐỒI A1
08:02 - 09/04/2024
Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng vẻ vang của dân tộc ta. 70 năm đã trôi qua, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã lùi xa vào quá khứ nhưng còn đó những trận đánh, tên đất, tên người mãi mãi đi vào lịch sử.
Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử, nhân
LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN MỚI TẠI CHI BỘ BẢO TÀNG TỈNH VĨNH PHÚC
NGÀY 10/10/1954-MỐC SON RỰC RỠ TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC
LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA PHÒNG GIÁO DỤC THÀNH PHỐ VĨNH YÊN
Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng vẻ vang của dân tộc ta. 70 năm đã trôi qua, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã lùi xa vào quá khứ nhưng còn đó những trận đánh, tên đất, tên người mãi mãi đi vào lịch sử.
Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng”tung bay trên nóc hầm Đờ-Cát-Tơ-Ri tại chiến trường Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954.
Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử, nhân dân Vĩnh Phúc cần cù trong lao động, anh dũng trong đấu tranh. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Vĩnh Phúc đã huy động tối đa sức người sức của phục vụ chiến dịch. Có những tập thể và cá nhân đã chiến đấu kiên cường anh dũng, ngày đêm vượt suối đưa hàng tới đích. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh vì thắng lợi của chiến dịch. Một trong những tấm gương chiến sĩ tiêu biểu của tỉnh là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bạch (1924 - 2008).
Sinh ra và lớn lên tại thôn Đoài, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên. Thuở nhỏ, nhà nghèo, ông đã phải đi cày thuê gánh mướn cho nhà giàu để lấy tiền đỡ đần bố mẹ nuôi các em. Năm 1949, Nguyễn Văn Bạch tình nguyện nhập ngũ đi đánh giặc. Anh cùng đơn vị hành quân chiến đấu nhiều trận, nhiều chiến dịch và được chỉ huy tin cậy giao cho các nhiệm vụ: Đánh mìn chặn đường tiếp viện của địch ở chiến dịch Biên giới Cao - Bắc - Lạng; đi xây dựng sở chỉ huy chiến dịch Trần Hưng Đạo ở núi Tam Đảo; tháo gỡ bom mìn ở chiến dịch Tây Bắc và Thượng Lào.
Nguyễn Văn Bạch – Người giật nổ khối bộc phá nặng 960 kg tại đồi A1 vào hồi 20 giờ 30 phút, ngày 06/05/1954.
Tháng 3 năm 1951, Nguyễn Văn Bạch được điều động làm tiểu đội trưởng đơn vị đặc biệt mới thành lập gọi tắt là A83 do đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung chỉ huy. Nhiệm vụ của đội là phá bom nổ chậm và bom bướm ở dốc Pha Đin, đèo Bản Chẹn. Cuộc chiến ngày càng gay go ác liệt tại đồi A1. Đây là cứ điểm quan trọng bậc nhất của Pháp, án ngữ quân ta đánh chiếm vào trung tâm chỉ huy của địch, tại đây ta và địch không phân thắng bại. Do vậy, ban chỉ huy chiến dịch quyết định phải tiêu diệt bằng được cao điểm A1 để mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng hoàn toàn lòng chảo Điện Biên Phủ. Nhận nhiệm vụ hết sức khó khăn, các cán bộ chỉ huy đã thống nhất chọn phương án tối ưu là đào hầm ngầm xuyên thẳng vào lòng đồi A1 để đánh bộc phá lớn 1000 cân mới thành công. Nhiệm vụ này hết sức vất vả và nguy hiểm, đòi hỏi phải dũng cảm, mưu trí, chính xác. Đội A83 được phân nhiệm vụ là vừa đào hầm, vừa kiếm thêm thuốc nổ vì cấp trên chỉ cấp cho 500 cân. Đồng chí Bạch là người phụ trách công tác thu gom gần 500 cân thuốc nổ ở 5 quả bom nổ chậm trong chiếc máy bay B24 của địch bị ta bắn rơi gần Bản Kéo cùng 3 chiến sĩ khác. Kiếm xong thuốc nổ, anh cùng 3 chiến sĩ lại về đồi A1 phối hợp với sư đoàn công binh của đại đoàn 316 đào đường hầm vào lòng đồi A1 để đặt quả bộc pháo nặng gần 1000kg. Đội A83 đào hầm xong, bộc phá gói đặt xong, Nguyễn Văn Bạch được đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung giao cho nhiệm vụ quan trọng là điểm hỏa bộc phá nặng 960 kg vào hồi 20h30p ngày 06/05/1954, làm nên hiệu lệnh tấn công cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên mặt trận Điện Biên Phủ, sau ngày giải phóng, Nguyễn Văn Bạch xuất ngũ về địa phương làm xã đội phó. Cuối năm 1965, khi không quan Mỹ bắt đầu leo thang ném bom ồ ạt miền Bắc, Nguyễn Văn Bạch được gọi nhập ngũ. Sau 5 tháng học tập ở trường Sĩ quan công binh, anh được điều về công tác tại Bộ tư lệnh phòng không không quân. Cuối năm 1968, thiếu úy Bạch được chuyển ngành về công tác tại Công ty vật liệu kiến thiết tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1977 nghỉ hưu.
Năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trên miệng hố bộc phá đồi A1 đã đượcc đặt 1 tấm phù điêu ghi công của Nguyễn Văn Bạch như sau: “Ông Nguyễn Văn Bạch giật nổ khối bộc phá 960kg lúc 20h30p ngày 06/05/1954. Tiếng nổ của khối bộc phá còn là hiệu lệnh của cuộc tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Ghi nhận công lao đóng góp to lớn của ông, Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp theo quyết định số 212/QĐ CTN ngày 23/02/2010. Trong thời gian tham gia chiến đấu, cụ Bạch đã được tặng thưởng rất nhiều huân, huy chương. Vinh dự hơn, cụ Nguyễn Văn Bạch đã được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người.
Cuộc kháng chiến đã lùi xa vào quá khứ, Cụ Nguyễn Văn Bạch đã về nơi chín suối, nhưng thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ quên chiến công của cụ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.