MIỀN HOÀI CỔ
09:33 - 13/09/2022
MIỀN HOÀI CỔ
Giản dị, mộc mạc, chân phương – những con người gặp gỡ trong chuyến về lại Kim Sơn, Ninh Bình lần này mang lại ngập tràn trong tôi những cảm xúc như thế.
KHAI MẠC TRƯNG BÀY VĂN HÓA ĐÔNG SƠN VÀ TINH HOA CỔ VẬT VĨNH PHÚC
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU HỌC SINH, SINH VIÊN DTTS TIÊU BIỂU XUẤT SẮC NĂM HỌC 2023-2024
LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN MỚI TẠI CHI BỘ BẢO TÀNG TỈNH VĨNH PHÚC
NGÀY 10/10/1954-MỐC SON RỰC RỠ TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC
LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU HỌC SINH, SINH VIÊN DTTS TIÊU BIỂU XUẤT SẮC NĂM HỌC 2023-2024
LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN MỚI TẠI CHI BỘ BẢO TÀNG TỈNH VĨNH PHÚC
NGÀY 10/10/1954-MỐC SON RỰC RỠ TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC
LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
MIỀN HOÀI CỔ
Giản dị, mộc mạc, chân phương – những con người gặp gỡ trong chuyến về lại Kim Sơn, Ninh Bình lần này mang lại ngập tràn trong tôi những cảm xúc như thế.
Một xứ đạo bình yên, cảm giác thời gian nơi đây như lắng đọng, nhịp sống thường ngày cứ như thể từ thập niên những năm 1990. Nhưng nhìn những cư dân nơi ấy, tôi thấy rõ niềm hạnh phúc, biểu lộ qua nhịp sống chậm, với nhà cửa, vườn rau, áo cá, bể lắng nước mưa, con lợn, con chó, con mèo... tất cả những ngữ cảnh kết lại, hòa quyện, tạo thành một miền hoài cổ như bức tranh quê xa lắc xa lơ trong những giấc mơ tuổi thơ tôi!
Khung cảnh ấy khiến tôi như thấy ông nội mình đang ngồi đan những chiếc làn cói một cách say mê, không nói nhiều, hỏi gì nói đấy, lâu lâu có mấy ông hàng xóm sang chơi lách cách pha trà và tiếng hút thuốc lào giòn tan, cùng điệu bộ nhả khói đê mê như rồng bay phượng múa!
Tôi thấy bà nội đang đội nón giặt áo ở cầu ao, lại còn trẩy khế cho tôi, cái giếng nhỏ xinh đậy nắp, nhỏ thôi mà sâu thẳm, nước mát lạnh, cái ao quê cũng nhỏ được ngăn bằng hàng rào thông với hệ thống cống ngầm nên không bị tù đọng. Nhớ hình ảnh bà vừa giặt quần áo lại vừa vo gạo, rửa rau, phía dưới có đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội.
Trong vẻ chân quê ấy, cái gì cũng cảm giác như chỉ vừa đủ, gian nhà nhỏ một tầng với bộ xa lông lùn, tủ chè, giường mô đéc, đám chăn màn từ thời bao cấp, kết hợp những vật dụng khác nhỏ nhắn, xinh xinh đượm mầu quá khứ.
Bác trai tôi gặp ở Ninh Bình kể rằng đan làn cói ngày cũng được chục cái, 30 ngàn đồng một cái, tối có người công ty tới thu trả tiền, nên bác vui lắm. Ở quê vừa chơi vừa đan nhàn mà có thu nhập mua cho cháu đồng quà tấm bánh nên bác làm rất hăng say.
Còn hai vợ chồng bác khác đã về hưu, nhà trên trung tâm không ở cho thuê cứ loanh quanh với ao cá mảnh vườn, trồng thứ này thứ kia rồi phơi khô để dành.
Bác gái vui vẻ kể chuyện kho cá bằng củi và trấu nghe thấy cầu kỳ khác lạ. Bác dùng mật mía chưng thành kẹo đắng kho cá với củ xả (không cho riềng) cùng các loại gia vị rồi ủ trấu khi cả nửa ngày được nồi cá thơm lừng.
Các cụ tôi gặp được, quý hoá khách lắm. Ngày nào cũng có người tới chơi thăm hỏi, bác rủ rê về chơi vài ngày dịp Tết để gói bánh chưng, cùng nhau kho cá, ăn bữa cơm gạo mới cùng gia đình ngoài sân dưới ánh trăng... nghe đã thấy mê ly.
Các bác già cả nhà nào cũng có tủ đồ cổ ông cha lưu truyền lại, nhỏ gọn, mộc mạc với bình vôi, chú Tễu, con nghê... và một số đồ đá, sành... Các bác sưu tầm chơi để cho có tính dân tộc Việt trong nhà, không bon chen hay khoe mẽ.
Tôi được dẫn tới nhà thờ đá Phát Diệm, kiến trúc nơi đây thật lạ ! Xen cả kiến trúc đông Tây kết hợp và toàn làm bằng đá đục chạm rất đẹp.
Chợt thấy cái mái giả cong cong của nhà cổ phúc kiến, tường hoa với sành tầu , hỏi anh bạn đi cùng, có khi nào xưa ở đây có người Hoa, anh bạn bảo rất nhiều người Hoa gốc Phúc Kiến, họ làm nghề nấu phở, nấu ăn, thêu thùa, dệt chiếu và nhiều nghề thủ công khác, năm 79 họ về nước hết.
Những cây cổ thụ trong sân nhà thờ dường như đã đứng đó lâu lắm rồi, giờ nhìn như cây bon sai vì có tuổi mà không to cao mấy, cứ xinh xinh tô điểm cho vẻ cổ kính của nhà thờ thêm trầm mặc, thâm nghiêm, nhuốm màu cổ tích.
Cậu bạn bảo xưa bao đôi lứa nên duyên từ cái sân nhà thờ này, trẻ con vào đó chơi, ngủ trên các cái sập đá, rồi dân phơi rơm, phới thóc đầy sân nhà thờ.
Thời của bạn tôi những năm 90 mà trong làng ở đây vẫn còn nặng nề các quan điểm như thời phong kiến, cô gái trẻ mà viết thư cho bạn trai là bị chặt tóc trên thớt, kêu mọi người tới xem cho nhục, chửa hoang thì cho vào bẹ chuối trôi sông. Lấy vợ không đẻ được con trai thì khi ăn cỗ phải ngồi mâm phụ nữ và trẻ con.
Những câu chuyện vu vơ, bình dị ấy, qua lời kể của những người tôi gặp gỡ trong chuyến về lại Ninh Bình, thật chân chất, gần gũi, như vẽ lên một bức tranh toàn cảnh của hiện tại để gợi về quá khứ thân thương. Với tôi, một chuyến đi như thế lại thêm một kỷ niệm đẹp, thêm một hoài niệm để chia sẻ cùng những người yêu Di sản Việt.
Trương Việt Anh.