Kéo song Hương canh - Di sản văn hóa PVT đại diện nhân loại

Kéo song Hương canh - Di sản văn hóa PVT đại diện nhân loại

Kéo song Hương canh - Di sản văn hóa PVT đại diện nhân loại

09:16 - 09/02/2022

Hương Canh là tên gọi chung của ba làng Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh của huyện An Lãng, trấn Sơn Tây đời Lê, nay là thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Hương Canh có tên nôm là Kẻ Cánh, chữ “Cánh” lấy từ tên sản vật địa phương là giống lúa Gié Cánh nổi tiếng xưa kia. Địa danh Hương Canh không chỉ nổi tiếng với những công trình kiến trúc nghệ thuật đồ sộ có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao mà còn là nơi lưu giữ, trao truyền

LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA PHÒNG GIÁO DỤC THÀNH PHỐ VĨNH YÊN
CHIẾC ÁO - KỶ VẬT CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
TRẢI NGHIỆM VĂN NGHỆ DÂN GIAN TẠI VĂN MIẾU TỈNH VĨNH PHÚC
TRIỂN LÃM CHUYÊN ĐỀ VĨNH PHÚC LÀM THEO LỜI BÁC

KÉO SONG HƯƠNG CANH

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐẠI DIỆN CỦA NHÂN LOẠI

 

          Hương Canh là tên gọi chung của ba làng Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh của huyện An Lãng, trấn Sơn Tây đời Lê, nay là thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Hương Canh có tên nôm là Kẻ Cánh, chữ “Cánh” lấy từ tên sản vật địa phương là giống lúa Gié Cánh nổi tiếng xưa kia. Địa danh Hương Canh không chỉ nổi tiếng với những công trình kiến trúc nghệ thuật đồ sộ có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao mà còn là nơi lưu giữ, trao truyền những di sản văn hóa phi vật thể như ẩm thực, lễ hội, tri thức dân gian… Một trong những sản phẩm văn hóa tinh thần ấy không thể không nhắc tới trò diễn Kéo song – một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn ngoan mưu trí và sức chịu đựng của con người, giúp con người phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ.

          Trò Kéo song ở Hương Canh có từ lâu đời, hiện không có tư liệu ghi chép về nguồn gốc và sự hình thành của trò này. Các nguồn tư liệu chủ yếu được nhận diện qua lời kể của các cụ cao niên trong làng. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ X, Ngô Xương Nhập – con trai cả của Ngô Quyền đã cho luyện quân trên khúc sông Cánh ở đây. Quân sỹ nhiều khi huy động cả thanh niên trong làng dùng dây song kéo chiến thuyền để điều chỉnh tốc độ nhanh chậm, tiến lùi của đội chiến thuyền. Sau này đình của 3 làng thờ các vị thần thành hoàng đều là hậu duệ, tướng lĩnh thuộc quyền của Ngô Vương. Trò Kéo song được đưa vào hội làng là vì thế.

Kéo song là trò kéo co bằng dây song luồn qua một chiếc cột lim chôn xuống đất, trai tham gia kéo song được gọi là song thủ. Khi kéo, các song thủ ngồi từng đôi một trong một cái hố đào chéo hình bậc thang, sao cho song thủ vừa ngồi được, vừa duỗi thẳng hai chân, đạp vào thành hố phía trước để tăng lực kéo. Các song thủ ngồi giống tư thế bơi chải, dùng sức mạnh kéo dây song về phía mình, cũng là tái hiện lại tư thế luyện tập của quân sĩ Ngô Xương Ngập.

Dây song dùng để kéo phải chọn dây song mật, đốt (long) dài đều, gốc và ngọn tương đối bằng nhau, không bị sâu đục, không cụt ngọn, có độ dài từ 50-70m, đường kính 4-5cm. Dây song lấy về được đưa vào đình Hương Canh làm lễ trình thánh rồi đặt lên giá đỗ phía bên trái đình. Trước kỳ hội khoảng 7-10 ngày, dây song được ngâm xuống giếng nước để tăng độ dẻo trước khi mang ra kéo.

Ngày nay, trò kéo song được thực hiện từ mồng 3 đến mồng 5 tháng Giêng, tại Đấu trường kéo song do chính quyền thị trấn Hương Canh tổ chức. Đấu trường là bãi đất dài khoảng 150m, rộng chừng 20m, được xây dựng kiên cố song song với sông Cầu Treo, bên đường quốc lộ số 2. Ở giữa chiều dài bãi chôn một trụ cột lim cao 1m. Trên thân cột, cách mặt đất chừng 80cm, đục một lỗ tròn xuyên qua, to bằng miệng chén để luồn dây song. Hai bên trụ cột đào hố cho từng cặp đấu thủ ngồi, vừa có chỗ duỗi thẳng cả hai chân, đạp hết sức vào thành hố. Hố nọ cách hố kia 1,5m. Chung quanh đào hào sâu 1m, rộng 4m, khơi nước sông vào thành rãnh ngăn cách, không cho khán giả chen lấn tới bãi sới. Thị trấn Hương Canh hiện có 19 khu/TDP được phân chia thành 4 đội kéo song, gọi là 4 liên quân (liên quân Hương Ngọc, liên quân Tiên Canh, liên quân Lò Ngói, liên quân Lò Cang). Mỗi liên quân có khoảng 100 người, sau đó chọn 34 người làm song thủ: 25 song thủ chính thức, 5 song thủ dự bị và 4 người phục vụ. Mỗi đội cử 1 đội trưởng, 2 đội phó và 1 chỉ đạo viên.

Vào ngày hội, các liên quân tập trung tại điếm thờ tổ thần ở khu vực mình. Những bậc trưởng lão thay mặt dân xóm, dâng lễ vật, thắp hương khấn cầu thần phù hộ thắng trận, sau đó các liên quân đến đình Hương kính lễ. Do bị giản lược một số yếu tố nên ngày nay không còn nghi thức kéo nghi lễ nữa. Sau khi các liên quân và nhân dân có mặt đông đủ tại đấu trường, các đội vào thi đấu theo thứ tự đã bốc thăm trước đó, thi đấu kiểu vòng tròn tính điểm, tức là có 4 đội kéo song, mỗi đội phải kéo 3 lượt với các đội bạn, thành 12 trận, mỗi trận 3 hiệp, mỗi hiệp 20 phút. Đội nào kéo được 50cm qua lỗ cột là thắng. Kéo không đủ 50cm vẫn là hòa. Kỹ thuật kéo về cơ bản vẫn giữ như xưa. Người đứng giáp mỗi bên, tức là sát bên cột kéo song gọi là “Tướng”, thường là người to lớn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đầy mưu trí và 2 “Sĩ”, một sĩ đứng giữ dây và một sĩ đứng cuối dây, nhận lệnh của tướng và thông báo tình hình trận địa với tướng bằng các kiểu phất cờ và thống nhất bí mật từ trước, để “bên kia” không giải được “mật mã” mới hòng thắng. Họ dùng nhiều “động tác giả”, “dĩ dật đãi lao”, “xuất kỳ bất ý”, làm đối tượng mệt mỏi, mất cảnh giác để “thừa thắng rút mạnh” giành chiến thắng.

Kéo song không chỉ là trò chơi đơn thuần, ẩn sâu trong đó là niềm tin mãnh liệt, tin vào sự chiến thắng sẽ được thần chứng giám để thỏa mãn những nguyện ước đời thường cuộc sống ấm no, sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hòa và đây là điều kiện then chốt đảm bảo cho tính bền vững và sức sống lâu dài của di sản này. Với những giá trị ấy, hội Kéo song Hương Canh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia số 4205/QĐ-BVHTTDL ngày 19 tháng 12 năm 2014. Đến tháng 12 năm 2015, trò Kéo song ở Hương Canh Vĩnh Phúc cùng với kéo co ở Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai chính thức được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân Hương Canh – những chủ thể đã sáng tạo, bảo tồn và trao truyền di sản quý báu đến ngày nay; cũng là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế của địa phương./.