ĐÌNH VĨNH SƠN

ĐÌNH VĨNH SƠN

ĐÌNH VĨNH SƠN

16:14 - 13/04/2022

Đình Vĩnh Sơn nằm ở trung tâm của xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Vĩnh Sơn xưa thuộc làng Sơn Tang, cư dân sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Từ những năm sau giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975, Vĩnh Sơn có thêm nghề nuôi rắn công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, trở thành một trong những làng nghề tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc.

LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA PHÒNG GIÁO DỤC THÀNH PHỐ VĨNH YÊN
CHIẾC ÁO - KỶ VẬT CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
TRẢI NGHIỆM VĂN NGHỆ DÂN GIAN TẠI VĂN MIẾU TỈNH VĨNH PHÚC
TRIỂN LÃM CHUYÊN ĐỀ VĨNH PHÚC LÀM THEO LỜI BÁC
ĐÌNH VĨNH SƠN
 
Đình Vĩnh Sơn nằm ở trung tâm của xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Vĩnh Sơn xưa thuộc làng Sơn Tang, cư dân sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Từ những năm sau giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975, Vĩnh Sơn có thêm nghề nuôi rắn công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, trở thành một trong những làng nghề tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc.
Vĩnh Sơn có một đình làng (đình Vĩnh Sơn) và một chùa (tên chữ là Già Du tự), là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Đình làng thờ bốn vị thần: Quý Minh đại vương, Bạch Hạc cao quan đại vương (Thổ Lệnh - Thạch Khanh), Lân Hổ đô thống đại vương. Quý Minh đại vương, tương truyền là tướng của Hùng Duệ Vương có công đánh quân Thục. Bạch Hạc cao quan đại vương gồm hai vị là Thổ Lệnh và Thạch Khanh, tương truyền là những vị thần có phép thuật, có tài chữa bệnh, nhiều lần hiển linh âm phù các tướng đánh giặc, bảo vệ đất nước. Lân Hổ đô thống đại vương là người có công đánh quân Mông Cổ xâm lược nước ta thời Trần, được phong thần và thờ cúng ở nhiều đình làng trong vùng.
Đình Vĩnh Sơn nhìn theo hướng Nam - Đông Nam, tọa lạc ở trung tâm xã Vĩnh Sơn. Phía trước đình là đường giao thông liên thôn, hai bên có hai hồ nước lớn, tạo nên một không gian cảnh quan mát mẻ, thoáng đãng, thuận tiện cho nhân dân và du khách tới tham quan, chiêm bái.
Đình có kiến trúc cổ bằng gỗ, có niên đại vào khoảng cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Mặt bằng bố cục kiểu chữ Đinh theo kết cấu kiến trúc đình làng truyền thống, gồm hai tòa: đại đình năm gian hai dĩ, hậu cung bốn gian. Phía trước đình là sân đình lát gạch đỏ. Cổng đình làm theo kiểu nghi môn tứ trụ. Xung quanh đình có tường bao loan xây kín.
Đình cao hơn sân chừng hơn một thước ta, tương ứng với ba bậc tam cấp. Mái đại đình kết cấu kiểu bốn mái có đao, riêng mái hậu cung kết cấu theo kiểu chồng diêm hai tầng mái. Toàn bộ phần mái lợp ngói mũi cổ truyền. Đường bờ nóc đại đình đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt (hai rồng chầu mặt trăng): mặt nguyệt đắp cao có các đao mây cách điệu, đầu rồng ở hai bên trong tư thế ngẩng cao, râu dài, bờm gáy dựng ngược, uốn khúc thấp dần về phía sau. Hai đầu hồi là con kìm ngậm vào bờ nóc, đuôi uốn lên cao tạo nên sự cân xứng với trang trí ở phần giữa. Các bờ dải đắp nổi các con xô, con lân. Các đầu đao cong nhẹ với hình hồi long vờn nghê đắp nổi. Dọc đường bờ nóc và bờ dải gắn gạch hoa chanh. Bộ khung gỗ chịu lực của toàn đại đình gồm có sáu bộ vì kèo, kết cấu sáu hàng chân cột. Hệ thống vì kèo đại đình kết cấu theo kiểu thức chồng rường - giá chiêng. Trước đây, đại đình có hệ dầm lát ván sàn (còn dấu tích các lỗ mộng cách nền khoảng một thước ta, tương đương 40cm) nhưng nay không còn sàn gỗ nữa. Hậu cung đình Vĩnh Sơn nối với tòa đại đình tạo thành hình chữ Đinh (dân gian quen gọi là hình chuôi vồ). Hai gian trong cùng được nâng sàn lên cao chừng năm thước a (tương đương 1,9m) làm thượng cung - nơi đặt long ngai bài vị thờ thần thành hoàng. Mái gian trong cùng nâng lên và xoay ngang song song với mái đại đình tạo thành bốn mái ngắn, phần mái này có lẽ là sản phẩm của những lần tu sửa gần đây.
Ngoài giá trị về kiến trúc, nét nổi bật của đình Vĩnh Sơn còn nằm ở chỗ tại đây lưu giữ được tương đối tốt và nhiều những bức chạm trổ trang trí gỗ, mang phong cách điêu khắc nghệ thuật đặc trưng của thế kỷ XIX - thời Nguyễn. Hầu hết các bức chạm tập trung trang trí cho các đầu bẩy, thân kẻ, đầu dư, dép hoành và trên các bức cốn, với những chủ đề quen thuộc và hết sức phong phú như: chữ Thọ, long vân, long hóa, trúc hóa long, vân mây, sóng nước, đầu rồng, rồng uốn, hổ phù, phượng càm thư, long mã, hạc, rùa, nghê, lân, lưỡng long chầu nguyệt, long cuốn thủy… trong đó chủ đề tứ linh là chủ đạo. Tuy nhiên ở mỗi vị trí trang trí lại có một sự biến đổi, bố cục, sắp xếp khác nhau. Qua đó thể hiện tâm huyết của nghệ nhân, ước vọng của đa số nhân dân lao động được đúc kết thành truyền thống dân gian. Nhờ vậy mà trở thành những tác phẩm nghệ thuật xứng đáng được bảo tồn, lưu truyền trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
Có thể nói, đình Vĩnh Sơn là một trong những di tích tiêu biểu trên địa bàn huyện Vĩnh Tường. Đình có kiến trúc đồ sộ, chạm khắc tinh tế, để lại cho thế hệ sau những tiêu bản đặc sắc, thể hiện sự phong phú, đa dạng và những dấu ấn nhất định về nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian trong hệ thống các di tích thời Nguyễn trên đất Vĩnh Phúc.
------------------------ Linh Ngã (theo hồ sơ di tích đình Vĩnh Sơn)
Ảnh: Đình Vĩnh Sơn (Hồng Lĩnh)
 
  Toàn cảnh phía trước đình Vĩnh Sơn
 
 Kiến trúc đình Vĩnh Sơn
 
 Trang trí chạm khắc gỗ trên kiến trúc đình Vĩnh Sơn
 
 Trang trí chạm khắc trên đầu dư, cốn nách, thân kẻ - đình Vĩnh Sơn