Đình Sông Kênh

Đình Sông Kênh

Đình Sông Kênh

10:01 - 23/03/2022

ĐÌNH SÔNG KÊNH.

Đình Sông Kênh còn có tên là đình Giáp Thượng, nằm ở trung tâm thôn Hưng Lục (còn gọi là thôn Chợ), xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường. Đình cách Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Hưng khoảng 300m, cách tỉnh lỵ Vĩnh Yên 14km về phía Tây Nam, cách thành phố Việt Trì

LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU HỌC SINH, SINH VIÊN DTTS TIÊU BIỂU XUẤT SẮC NĂM HỌC 2023-2024
LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN MỚI TẠI CHI BỘ BẢO TÀNG TỈNH VĨNH PHÚC
NGÀY 10/10/1954-MỐC SON RỰC RỠ TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC
LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA PHÒNG GIÁO DỤC THÀNH PHỐ VĨNH YÊN
 
ĐÌNH SÔNG KÊNH
 
Đình Sông Kênh còn có tên là đình Giáp Thượng, nằm ở trung tâm thôn Hưng Lục (còn gọi là thôn Chợ), xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường. Đình cách Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Hưng khoảng 300m, cách tỉnh lỵ Vĩnh Yên 14km về phía Tây Nam, cách thành phố Việt Trì (tỉnh lỵ Phú Thọ) 11km về phía Đông Nam. Đình Sông Kênh thờ Đương Đông Đại Vương và Minh Quang Đại Vương, là hai vị tướng của Tản Viên Sơn Thánh. Hiệu của hai ngài được ghi trên long ngai bài vị thờ trên thượng cung như sau: “Hùng triều Long Linh phụ quốc thượng đại tướng quân Minh Quang đại vương trung đẳng thần vị”, “Hùng triều tả thánh Tản quốc đại tướng quân Đương Đông đại vương trung đẳng thần vị”. Theo ngọc phả của đình được nhân dân sưu tầm lại được (bản gốc do Hàn lâm đại học sĩ Nguyễn Đình Châu hiệu là Quốc Tử biên soạn), hành trạng về hai vị thần có thể tóm tắt như sau: Cuối đời Hùng Vương thứ 18, Hùng Duệ Vương có người con gái là Mỵ Nương được gả cho Sơn Tinh - Tản Viên Sơn Thánh. Khi vua già yếu muốn nhường ngôi cho con rể. Thục Phán là cháu của vua Hùng nghe tin bèn kéo quân về định giành ngôi. Vua giao cho Tản Viên Sơn Thánh lo việc chống quân Thục, bảo vệ ngôi vua. Tản Viên Sơn Thánh giao cho Minh Quang - Thượng đại tướng (hiệu là Long Linh) làm đem ba vạn binh mã đóng đồn trên bộ chặn đường rút quân địch, giao cho Đương Đông - Đại tướng quân (còn gọi là Đang Đông) đem ba vạn quân và hai nghìn chiến thuyền chặn giặc theo đường thủy. Cuộc chiến diễn ra, quân Thục đại bại, dân chúng thoát khỏi cảnh lầm than, binh biến, đất nước thanh bình. Vua Hùng ban thưởng cho Tản Viên Sơn Thánh và các tướng lĩnh, khi mất đi, được sắc phong cho nhân dân các địa phương lập đền, miếu thờ phụng thờ mãi mãi về sau. Minh Quang Đại Vương và Đương Đông Đại Vương được nhân dân Sông Kênh tôn vinh làm thần thành hoàng làng, dựng đình để thờ cúng và đời đời ghi nhớ công lao và thụ hưởng ân đức âm phù của các vị thần. Về sau, các đời vua đều có sắc phong, hiện đình vẫn còn lưu được đạo sắc của vua Khải Định năm thứ 9 (1893). Ngôi đình hiện nay được xây dựng vào thế kỷ XIX đời vua Tự Đức năm thứ 34 (1881). Trên câu đầu bên trái đình có ghi “Đại Nam Tự Đức tam thập tư niên tuế thứ Tân Tỵ ngũ nguyệt kiến Giáp Ngọ Việt nhị thập tứ nhật Ất Dậu đầu thời thụ trụ thượng lương đại cát”. Tuy nhiên, có thể đoán định đình có niên đại khởi dựng từ trước đó khoảng hai, ba thế kỷ, bởi trong vùng có rất nhiều ngôi đình có niên đại khởi dựng cùng trong thế kỷ XVII, XVIII (đình Thổ Tang, cụm đình Đông, đình Nam - Lũng Hòa...). Trong kiến trúc đình cũng thấy được rất rõ những đặc điểm kế thừa và phát huy những giá trị đặc sắc về kiến trúc đình làng Việt cổ. Đình được xây dựng theo hướng Tây Nam, nhìn ra cánh đồng làng Hưng Lục, bên cạnh bờ kênh lấy nước từ sông Cái (sông Hồng), không gian thoáng đãng, lại ở trung tâm làng nên khá sầm uất. Mặt trước đình có con đường liên thôn chính từ trung tâm xã đi các xóm và dẫn đến chợ Chục. Đình nằm trong khuôn viên rộng 500m2, có tường bao quanh.
 Về kiến trúc, đình có bố cục kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 05 gian đại bái và 03 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi truyền thống. Trong thời kháng chiến chống Pháp, hậu cung đình bị tàn phá sau này nhân dân khôi phục lại hậu cung tách rời khỏi tòa đại bái 2,3m. Tòa đại bái cơ bản còn giữ được kiến trúc ban đầu theo kiểu hai mái tường hồi bít đốc, bờ nóc cao và bờ dải thẳng, hai bên đốc xây nhô hẳn lên cao để chèn chắn mái. Với lối kiến trúc này, mái đình không xòe rộng và thấp như lối kiến trúc bốn mái có đao như nhiều ngôi đình khác, mà ở đây, mái đình được nâng cao, làm cho lòng đình trở nên rộng rãi, cao ráo, thông thoáng, sáng sủa, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của môi trường, thời tiết đối với kiến trúc gỗ bên trong ngôi đình.

Đại bái của đình có bốn hàng cột dọc và sáu hàng cột ngang, tổng cộng 24 cột bằng gỗ lim (12 cột cái, 12 cột quân). Kết cấu kiến trúc của bốn vì kèo nóc gian giữa và hai gian cạnh theo kiểu “chồng rường giá chiêng”. Liên kết giữa cột cái và cột quân là xà nách, phía trên xà nách là các con rường, một đầu mộng liên kết với cột cái, một đầu kê lên các đấu đỡ hoành mái và ngắn dần lên theo chiều mái. Từ cột quân vươn ra đỡ đầu hoành là các bẩy có mộng ở một đầu liên kết với cột quân. Riêng hai vì kèo ở đầu đốc đại bái cps kết cấu chồng rường đơn thuần, các con rường xếp chồng lên song song với nhau đặt trên các đấu kê đỡ hoành. Liên kết giữa các vì kèo là các xà dọc có mộng ở hai đầu để khớp với các đầu cột phía trên. Đây là kiểu kiến trúc phổ biến của các ngôi đình Bắc bộ Việt Nam từ thế kỷ XVI còn được bảo lưu cho đến những thế kỷ sau. Ở đình Sông Kênh, phần kiến trúc được kéo dài thêm hai gian và phần hậu cung hình chuôi vồ. Các cấu kiện bằng gỗ lim ở đình được liên kết bằng các mộng mòi, mộng thắt, mộng đuôi cá, khiến cho ngôi đình rất chắc chắn và có tính thẩm mỹ cao.

Đình còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật quý như án gian, kiệu rước, ngai thờ. Những hiện vật, đồ thờ bằng gỗ này được chạm khắc cầu kỳ bằng nghệ thuật chạm bong, chạm lộng, tạo thành băng, ô trang trí, với các mô típ truyền thống như: hình kỷ hà, cánh sen, lá đề cách điệu, cúc dây, lưỡng long chầu nguyệt, mây xoắn, hổ phù, long cuốn thủy, hạc rùa, long mã, sen rùa, sen - cúc, long cuốn thư, tứ linh, sóng nước... Các nghệ nhân dân gian ở đây đã có những phá cách trong nghệ thuật bố cục và diễn đạt, sử dụng phương pháp “cân đối động” để làm nên sự sáng tạo cho tác phẩn chạm khắc mà vẫn giữ được phong cách nghệ thuật truyền thống. Bố cục sinh động, đăng đối về toàn cảnh nhưng xen vào đó là nhưng sáng tạo, biến cách về chi tiết tạo cho tác phẩm trở nên đẹp hơn, hài hòa nhưng cũng trang nghiêm, linh thiêng hơn, phù hợp với mục đích thờ phụng ở đình làng. Qua nghệ thuật điêu khắc ở các hiện vật, đồ thờ của đình Sông Kênh có thể thấy: về kỹ thuật, ở đây vẫn bảo lưu và phát triển kỹ thuật đục nền, đục kênh bong và chạm lộng là kỹ thuật truyền thống thường thấy ở các ngôi đình có niên đại khoảng thế kỷ XVIII, XIX. Về nghệ thuật trang trí, bố cục và họa tiết đã thể hiện được tâm nguyện, tình cảm của con người hòa với thiên nhiên, hướng ước vọng đến thần linh. Những tác phẩm này thể hiện xuất sắc nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian truyền thống, cần được các thế hệ sau trân trọng, bảo tồn.

Đình Sông Kênh được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2000. Thực hiện Nghị quyết số 71/2019/NQ- HĐND ngày 23/10/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư tu bổ hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2019-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2240/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi di tích đình Sông Kênh, xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường. Theo đó, đình Sông Kênh sẽ được tu bổ phần đại bái và phục hồi hậu cung 03 gian bằng gỗ lim theo hướng: đẩy hậu cung lên phía trước nối liền với đại bái tạo thành kiểu thức kiến trúc chữ Đinh truyền thống; nâng cốt nền đình thêm khoảng 30cm so với hiện trạng. Việc tu bổ, phục hồi đình Sông Kênh nhằm loại bỏ các yếu tố ngoại lai không phù hợp với di tích gốc, phục hồi kiểu kiến trúc đình làng truyền thống, tiếp tục gìn giữ, kéo dài tuổi thọ của đình, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương, phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan, chiêm bái của các nhà khoa học và du khách thập phương./.

Nguồn copy từ Linh Ngã (theo hồ sơ di tích quốc gia đình Sông Kênh)

#dinhsongkenh

Ảnh: Toàn cảnh phía trước đình Sông Kênh (@Nguyên)