Đình làng ở Hương Canh
16:06 - 24/03/2022
ĐÌNH LÀNG Ở HƯƠNG CANH
Hương Canh vốn là tên một xã của huyện An Lãng, trấn Sơn Tây đời Hậu Lê, rồi được lấy làm tên tổng thời Nguyễn và tên của thị trấn ngày nay - thị trấn Hương Canh (thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Theo dân gian, Hương Canh còn được gọi là Tam Canh bởi đây là tên chung của ba làng Canh gồm: Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh.
LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN MỚI TẠI CHI BỘ BẢO TÀNG TỈNH VĨNH PHÚC
NGÀY 10/10/1954-MỐC SON RỰC RỠ TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC
LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA PHÒNG GIÁO DỤC THÀNH PHỐ VĨNH YÊN
ĐÌNH LÀNG Ở HƯƠNG CANH
Hương Canh vốn là tên một xã của huyện An Lãng, trấn Sơn Tây đời Hậu Lê, rồi được lấy làm tên tổng thời Nguyễn và tên của thị trấn ngày nay - thị trấn Hương Canh (thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Theo dân gian, Hương Canh còn được gọi là Tam Canh bởi đây là tên chung của ba làng Canh gồm: Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh.
Địa danh Hương Canh còn có tên nôm cổ là Kẻ Cánh. Tên gọi này bắt nguồn từ giống lúa của địa phương, thứ lúa có hai tia nhọn ở hai bên hạt thóc. Người ta gọi hai tia nhọn ấy là CÁNH và hạt thóc có tên là GIÉ CÁNH được lấy chữ CÁNH làm danh xưng của làng.
Ban đầu ở đây mới có một làng Hương Canh, dần dần dân số phát triển mới tách thêm làng lấy tên là Ngọc Canh - nơi có thứ lúa Gié Cánh, hạt gạo đẹp như ngọc. Sau cùng, khi cả hai làng Hương Canh (lúa Cánh thơm), Ngọc Canh (lúa Cánh đẹp) cư dân đông đúc, mới mở rộng sang phía Tây và Tây Bắc thêm một làng nữa và lấy tên là Tiên Canh với nghĩa “lúa Cánh sớm”.
Ba ngôi đình của ba làng Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh đều được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia và hiện đang trong quá trình lập hồ sơ đề nghị xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt. Các đình tọa lạc tại vị trí cách nhau từ 50m đến 100m, tạo thành quần thể di tích hoành tráng, kề sát quốc lộ 2A, thuận lợi cho tham quan, du lịch và hành hương.
Về các nhân thần được thờ, theo truyền tụng của nhân dân địa phương, sau khi đánh bại quân Nam Hán xâm lược, Ngô Quyền lên làm vua, đóng đô ở Cổ Loa (nay thuộc Hà Nội). Đất nước đã độc lập, hòa bình nhưng Ngô Quyền vẫn không quên đề cao cảnh giác, luyện tập binh mã để phòng giặc. Bấy giờ săn bắn cũng là một hình thức tập trận, nên có lần Ngô Quyền đã cử hai con là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn cùng vị tướng thân cận Đỗ Cảnh Thạc mang quân đi tập trận dưới hình thức đi săn. Họ đã hành quân qua Hương Canh, đóng doanh trại tại một gò đất giữa đồng, nhân dân gọi là Gò Ngự. Để ghi lại dấu thiêng và tri ân các vị anh hùng nhà Ngô, nhân dân Hương Canh đã lập ở Gò Ngự một ngôi miếu để thờ các vị, theo quan niệm “sinh vi tướng, tử vi thần” (sống là tướng giỏi - chết là thần thiêng). Đến thời Hậu Lê, nhân dân ba làng Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh lại xây dựng mỗi làng một ngôi đình, rước thần hiệu về thờ ở đình và hàng năm đều mở hội, tế lễ như hiện nay.
Các nhân thần được người dân Kẻ Cánh phụng thờ là thất vị thời Ngô Vương, gồm:
- Ngô Vương Quyền
Ngô Quyền sinh năm 898, mất năm 944, là người ở Đường Lâm, Ba Vì, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Năm 938, ông cầm quân đánh tan quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng, kết thúc 1000 năm Bắc thuộc của Việt Nam. Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, sử gọi là Tiền Ngô Vương.
- Linh Quang Thái hậu tôn thần
Tên húy của bà là Dương Thị Như Ngọc, chính thất của Ngô Quyền, mẹ của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập và Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn. Bà là con gái của Dương Diên Nghệ.
- 3. Thiên Sách Hoàng Đế
Tên húy của ngài là Ngô Xương Ngập, vợ là Phạm Thị Uy Duyên, con gái Phạm Lệnh Công, tức Phạm Phòng Át hoặc Phạm Chiêm, ở Nam Sách, Hải Dương.
- Quốc Vương Thiên Tử
Tên húy của ngài là Ngô Xương Văn, em ruột Ngô Xương Ngập. Năm Canh Tuất (950) lên ngôi vua, hiệu là Nam Tấn Vương. Vợ của Ngô Xương Văn là Dương Vân Nga, con gái Dương Tam Kha (cậu ruột Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn, em trai Dương Thị Như Ngọc). Ngô Xương Văn có vợ thứ là Lý Thị Ngọc Dư.
- Khả Lã (hoặc Lữ) Nương Nương
Bà là Dương Phương Lan, quê ở Yên Nhân, Chương Mỹ, Hà Đông. Khi Ngô Quyền đi qua Thượng Phúc (Thường Tín) thì gặp bà, cưới làm vợ thứ.
- Thị Tùng phu nhân
Bà là Phạm Thị Uy Duyên, con gái Lệnh Công Phạm Phòng Át, tức Phạm Chiêm, ở Nam Sách, Hải Dương. Khi Ngô Xương Ngập bị Dương Tam Kha truy bắt, phải chạy trốn, nương náu ở nhà Phạm Lệnh Công thì lấy bà.
- Đông Nhạc Đại thần
Ngài tên thật là Đỗ Cảnh Thạc, sinh năm Bính Tý - 916, người gốc Quảng Lăng, trú quán ở Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội. Ngài có công phù tá 3 đời vua Ngô. Ngày 8 tháng Giêng năm Mậu Thìn - 968, ngài mất tại Sài Sơn, lúc 56 tuổi.
Như vậy, có thể nói, ba ngôi đình ở Hương Canh đồng thời cũng là những đài tưởng niệm các vị anh hùng có công với đất nước. Với diện mạo đồ sộ nhưng không nặng nề, to cao mà duyên dáng - ba ngôi đình ấy được xây dựng bằng trí tuệ của ngàn xưa, nơi tập trung tất cả những tinh hoa nhất, đẹp đẽ nhất của nhân dân Hương Canh thế kỷ XVIII.
Đình Hương Canh
Được hình thành sớm nhất nên làng Hương Canh xây dựng đình trước hai làng còn lại. Tuy không to hơn đình Ngọc Canh và đình Tiên Canh, nhưng đình Hương Canh được gia công, thể hiện nhiều hơn về trang trí, chạm trổ. Đình tọa lạc ở phía Nam thị trấn Hương Canh, mặt tiền hướng Tây Nam, nhìn ra hồ Điếm Lang, đấu trường kéo song và sông Cầu Treo. Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, gần 300 năm nay đình Hương Canh vẫn đứng đó như thách thức với nắng mưa, chống chọi với thiên nhiên về bộ mái đồ sộ, duyên dáng của mình. Mái đình lợp bằng ngói mũi hài, được xếp đặt một cách thứ tự theo kiểu đóng ốc vảy rồng, rất chặt chẽ, phẳng đẹp. Bờ nóc đình được đắp thẳng ke, các đầu đao cong vút. Toàn bộ mái đình trông như một cánh diều khổng lồ đang động đậy, sắp sửa bay lên không trung.
Về mặt bằng, đình Hương Canh có bố cục 3 tòa kiến trúc, gồm phương đình, đại bái và hậu cung. Phương đình 2 tầng 8 mái, lớp mái trên cách mái dưới khoảng 1m, tạo khoảng trống cho không khí thoát ra. Phương đình có chiều ngang 8m20, sâu 4m, chia làm 3 gian. Tòa đại bái có 5 gian 2 dĩ, chiều ngang 26m, chiều dọc 14m, gồm 48 cột. Hậu cung gắn với đại bái bằng ống muống hẹp, sâu 9m, chiều ngang 18m. Tổng số các cột, tính gộp cả phương đình, đại bái và hậu cung là 86 chiếc. Để chống đỡ bộ mái nặng hàng chục tấn ấy, các nhà kiến trúc dân gian thời xưa đã tạo cho đình một bộ khung rất chắc chắn. Tất cả 86 cột đều làm bằng gỗ lim. Các cột cái ở đại bái cao tới 5m70, chu vi 2m42; cột quân cũng khá lớn, cao 4m60, chu vi 1m70. Sự tài tình của người thợ ở đây là phân phối lực đỡ rất đều cho toàn đình, từ đó tạo cho đình một thế cân bằng. Điều này rất quan trọng, nếu không đình sẽ dễ đổ theo kiểu nặng bồng nhẹ tếch. Mỗi một bộ phận cấu tạo nên đình đều chịu một lực nhất định tương xứng với chức năng của nó. Các xà ngang dọc giằng co với nhau, thu hút lực đưa về ngọn cột, để cột chịu lực là chính. Làm được điều đó chắc cũng phải tính toán kỹ lưỡng, đo đạc chính xác tới mức nào.
Không làm kiểu chồng bồn tứ trụ như một số đình khác, thượng lương đình Hương Canh (cũng như đình Ngọc Canh và đình Tiên Canh) làm kiểu “cột đội cánh sẻ” - rất khỏe và giữ được nóc đình bền vững. Có thể nói, các bộ phận cấu tạo nên đình được bố trí rất hợp lý, từ các cấu kiện lớn đến các chi tiết nhỏ đều có một tác dụng nhất định. Chúng đều phải “làm việc” và làm việc với hiệu suất cao. Để nâng một góc đình với bộ đao rất nặng, một cột xó nhỏ thôi phải ăn mộng tiếp xúc với 6 đầu xà ngang dọc. Thử mường tượng, thời xưa, khi chưa có dụng cụ, phương tiện hiện đại như ngày nay, người thợ dân gian chỉ có các cây sào với mẩu than chì hay tí mực nho, mà đã tính đếm rồi thiết kế và thi công xây dựng một cách chính xác các ngôi đình như đình Hương Canh, để người đời sau chiêm ngưỡng và tỏ lòng khâm phục. Ấy cũng là trí tuệ giỏi giang lắm của nhân dân ta.
Như đã nói, đồ sộ nhưng không nặng nề, đình Hương Canh đã được các nghệ nhân giải quyết điều đó bằng kỹ thuật chạm trổ hết sức tinh vi, điêu luyện. Tất cả các đầu dư, họng cột, những phần gỗ thừa ra, các nghệ nhân đều biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật. Những “con kìm” được chạm lộng sâu tới hàng gang tay, những nét mác cong đều vút lên hùng dũng; những đầu hoành, đòn tay là chú voi mập mạp như đang cùng nhau khiêng đội mái đình. Đặc biệt là những bức chạm trên ván gió, những “bức cốn” mới thật là tuyệt tác. Với 19 bức chạm lớn nhỏ ghép thành 6 mảng trang trí lớn trong nội thất của đình. Đây là hình ảnh thu nhỏ của ngày hội làng, nó phản ánh được phần nào sinh hoạt xã hội của nhân dân ta thời Lê trung hưng. Ví dụ như, cảnh đấu vật: Hai đô vật đóng khố, mình trần, cơ bắp nổi cuộn, đầu cuốn khăn rìu, trong tư thế “lồng tay tư” như đang dùng mánh lới để quật ngã đối phương trong tiếng trống rộn ràng, tiếng hò reo dậy đất. Hội bơi chải: trên một khúc sông rộng, trong tiếng cồng thôi thúc, 5 thủy thủ cừ khôi đang gắng sức bơi chèo để mau đưa thuyền mình tới đich. Cảnh “bầu rượu túi thơ”: một người ngâm thơ, một người gẩy đàn phụ họa. hai người gánh hai nậm rượu. Có lẽ đời sống của nho sỹ Việt Nam thời xưa là như thế! Cảnh “đi săn về”: tác giả đã mô tả về một tập quán đẹp của nhân dân ta vùng này. Săn thú rừng vừa bảo vệ được mùa màng, vừa có thịt để cải thiện bữa ăn; đồng thời, qua các cuộc đi săn thì trình độ tổ chức, tinh thần dũng cảm của các thành viên được nâng cao và củng cố để sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống nào trong xây dựng và gìn giữ quê hương. Bức chạm có tám người: một người cưỡi ngựa, hai người khiêng thú, bốn người ở những tư thế khác nhau, một người cầm cung đang ngắm bắn và một con chó theo sau. Chỉ một đoạn thôi – kết quả của cuộc đi săn, mà người xem như được chứng kiến diễn biến trận đánh ác liệt với thú rừng của các trai làng quả cảm và cũng như được vui mừng cùng dân làng khi đoàn đi săn trở về. Các nghệ nhân ở đây không chỉ giỏi về kỹ thuật chạm trổ mà còn tỏ ra rất sâu sắc trong tư duy.
Là nơi ở của những ông vua làng, gian chính giữa đại bái đình Hương Canh được bài trí uy nghiêm. Nội dung chạm trổ tại khu vực này chủ yếu theo các đề tài cung đình như tứ linh (long, ly, qui, phượng) hay tứ quý (thông, trúc, cúc, mai). Điển hình là cửa võng phía trước khám thờ được chạm trổ cầu kỳ tinh xảo, sơn son thếp vàng rực rỡ. Cửa võng chạm lồng 4 lớp, 4 tầng rất khéo léo. Trên cửa võng là bức ván gió, đây là bức chạm lớn nhất trong đình với chiều dài 5m, rộng 0m80. Toàn bộ đều được chạm lộng những hình gai dứa tua tủa, những nét mác cong vút đều nhau như những làn sóng. Một điều lý thú là, trên bức ván gió ấy có 8 người, 2 sư tử, 6 rồng trơn, 2 thạch thùng - với bấy nhiêu người và vật, tác giả đã khắc họa nên một “gánh xiếc” đang biểu diễn, mà người xem phải nín thở với tiết mục ảo thuật “thổi xì đồng”: Hai chàng lực sỹ đóng khố, mình trần, đầu chít khắn vuông. Một lực sỹ, môi kề vào đầu ống xì đồng, lấy hơi phồng má rồi thổi mạnh, làm bay đi một viên đạn nặn bằng than tro hài cốt của một người nào đó, để phía bên kia, một con rồng không vẩy đang há mồm đỡ lấy (cảnh này miêu tả tích thầy phù thủy để mộ táng vào hàm rồng). Còn lực sỹ thứ hai thì chân xoạc ra, tay cầm ngang ống xì đồng, hình như đang khởi động để chuẩn bị làm những động tác thổi nghệ thuật hơn, tài tử hơn chăng. Một “tiết mục” hay nữa ở đây là cảnh người cưỡi rồng. Người ấy mặc áo bà ba nâu, đầu đội khăn nâu, ngồi trên mình rồng, hai tay dang thẳng. Rồng bay vun vút, uốn lượn ngoằn ngèo, người vẫn không rơi, nét mặt bình thản.
Được xây dựng với kỹ thuật điêu luyện, mỹ thuật trang trí nội thất có nội dung sâu sắc, sinh động, đình Hương Canh là nơi gửi gắm những tình cảm thiêng liêng, những ước mơ cao đẹp, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân ta.
Theo lời khai của Chánh tổng Đường Quán, Lý trưởng Đường Khải, Chánh hương hội Nguyễn Hữu Thể trình lên Tuần phủ Vĩnh Tường ngày 19/3/1939 và một số cổ chỉ (hồ sơ gốc) thì đình Hương Canh được xây dựng có quy mô như ngày nay, vào khoảng niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705 - 1720), đời vua Lê Dụ Tông; được tu bổ, tôn tạo nhiều lần. Năm Mậu Tý (1888), niên hiệu Đồng Khánh thứ 3, sửa chữa lại nóc và sàn thượng. Năm 1928, đình được tôn nền cao lên đến 1,4m, là đợt trùng tu lớn nhất. Vì tôn nền lên cao thì phải lên táng, tức là đưa cột lên trên nền mới tôn. Công việc tiến hành từ năm 1922. Năm ấy làng được mùa, cho bầu 70 ngôi xã, gọi là bầu “chiết can”, người được bầu chỉ phải chồng tiền cho làng, không có cỗ bàn bánh trái như lệ thường. Mỗi nhân khẩu góp một đấu gạo (đấu làm bằng khúc ống bương có đốt). Mỗi xuất đinh góp thêm 1 cây tre. Hai làng Ngọc Canh và Tiên Canh cũng được huy động tiền gạo. Năm 2007 - 2008, đình Hương Canh được “đoan chỉnh phục chế” giống y như trước.
Đình Hương Canh
Bức chạm "Đi săn" tại đình Hương Canh
Đình Ngọc Canh
Đình Ngọc Canh được kiến tạo vào thời Hậu Lê, trùng tu vào đầu triều Nguyễn.
Trên câu đầu thứ nhất ở đình Ngọc Canh có 2 vế chữ chạm nổi: “Gia Long thập nhị niên, tuế tại Quý Dậu, thập nguyệt, nhị thập lục nhật y cựu thượng lương, trùng tu thổ mộc Giáp Tuất niên, ngũ nguyệt, thập ngũ nhật hoàn thành, hòa ninh đại cát”. (Nghĩa là: Năm Gia Long thứ 12 là năm Quý Dậu, ngày 26 tháng 10, dựng cây nóc như cũ. Chữa lại mộc, ngõa năm Giáp Tuất. Ngày 15 tháng 5 hoàn thành, mong hòa thuận tốt lành). Tính theo dương lịch, Quý Dậu là năm 1813 và Giáp Tuất là năm 1814, việc trùng tu kéo dài 7 tháng.
Câu đầu thứ hai khắc là: “Minh mệnh nguyên niên, tuế tại Canh Thìn, lục nguyệt, thập nhất nhật, khởi công trang sức kim chu, chí thập nguyệt, thập nhật, hoàn thành đại cát đại vượng” (Nghĩa là: Năm Minh Mệnh thứ nhất là năm Canh Thìn, ngày 11 tháng 6 khởi công, sơn vẽ vàng son, đến ngày 10 tháng 10 hoàn thành, mong tốt lành lợi vượng). Tính theo dương lịch, Canh Thìn là năm 1820, niên hiệu Minh Mệnh thứ nhất. Việc trang trí kéo dài 4 tháng.
Đình Ngọc Canh có quy mô kiến trúc rất đồ sộ, cột lớn, kết cấu vững chãi. Bố cục mặt bằng hình chữ “Vương”. Tiền tế 5 gian, chiều ngang 20m50, chiều dọc 6m90; đại đình 5 gian 2 dĩ, chiều ngang 25m, sâu 15m50; nhà hậu 5 gian, chiều ngang 20m, sâu 7m20. Gian giữa đại đình có khám thờ - thượng điện. Cấu trúc khám thờ cũng giống đình Hương Canh. Phần ngoài sàn khám làm thành bệ sập. Trên có cửa võng chia làm 3 lớp, chạm trổ, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Phần gầm khám buông màn điều, ngăn cách với nhà hậu.
Trang trí nội thất đình Ngọc Canh cũng có nhiều bức chạm giống đình Hương Canh như: Đấu vật, bơi chải, đi săn về, hay những hình rồng, phượng, con giống. Tuy nhiên, nội dung và nghệ thuật chạm trổ ở đình Ngọc Canh có nhiều điểm khác với đình Hương Canh. Nếu như ở đình Hương Canh tả nhiều về ngày hội làng, những trò chơi dân gian, tạo nên không khí vui nhộn, thì ở đình Ngọc Canh lại thiên về đặc tả những cảnh lao động, những thú vui dân dã của người lao động ở thôn quê. Nếu chạm trổ ở đình Hương Canh đẹp trong không khí nhộn nhịp vui tươi, thì chạm trổ ở đình Ngọc Canh đẹp trong không gian trầm lắng suy tư, liên tưởng trước thực tế cuộc sống của nhân dân ta, thế kỉ XIX. Tiêu biểu có các bức chạm sau:
Bức chạm “dựng cột buồm”: Miêu tả cảnh làm thuyền buồm của một hiệp thợ. Trên một chiếc thuyền vừa làm xong, mũi thuyền hình đầu rồng cong lên, giữa thuyền là một cột buồm đang dựng, hai bên có bốn cây chống. Trên thuyền có sáu người, đằng lái một người nằm nghiêng, chân vắt chéo, một tay chống lên thái dương, nét mặt bình thản. Có lẽ đây là ông thợ cả đang nằm nghỉ, vì những công việc chính là cả chiếc thuyền đã làm xong, chỉ còn một vài việc đơn giản. trong đó có việc lắp ráp chiếc cột buồm cho thuyền, nên thợ cả được ưu tiên nghỉ ngơi sau những ngày lao động mệt nhọc. Đằng mũi thuyền có một người đang đứng, nhìn lên cột buồm. Có lẽ đây là ông thợ kỹ thuật, hoặc thợ phó đang chỉ đạo việc dựng cột buồm. Còn lại bốn người thì hai người đang trèo trên ngọn cột buồm, dáng người khỏe khoắn, đang dùng tay để lắp mộng và các chi tiết của cột buồm. Dưới gốc cột buồm, trên sàn thuyền có hai thanh niên, một trai một gái đang ôm giữ cột buồm để cho cột buồm thêm vững và đảm bảo an toàn cho hai người đang trèo trên ngọn cột. Một chi tiết rất hóm hỉnh là, dù đang phải ôm cột buồm như thế, nhưng anh con trai vẫn lấy một chân gác lên đùi cô gái, và cô gái đang dùng tay đẩy cái chân của anh chàng ấy ra. Với hình ảnh ấy, các nghệ sỹ dân gian muốn nói lên sự lãng mạn, hồn nhiên yêu đời trong lao động sản xuất của nhân dân ta.
Bức chạm “uống rượu”: Tả cảnh cả hai người đang ngồi uống rượu trên một tấm phản gỗ. Một người ngồi xếp bằng tròn, một tay cầm chén rượu giơ lên ngang ngực, một tay cầm quạt giấy nhưng không mở. Người thứ hai đối diện ngồi kiểu chữ ngũ, một tay chống mạng sườn, một tay nâng chén rượu. Ở giữa hai người là một mâm bồng nhỏ, trên đặt một nậm rượu và hai đĩa con. Hai người này gò má cao, vẻ đã luống tuổi, đầu ngả vào nhau như đang to nhỏ câu chuyện gì đó, nét mặt đăm chiêu suy nghĩ. Phía sau hai người dựng hai quạt ống vả vẻ trang nghiêm.
Bức chạm “chơi cờ”: Tả cảnh chơi cờ tướng. Bức chạm có bốn người, hai người đang chơi cờ và hai chú bé thiếu nhi ngồi hầu. Chính giữa bức chạm là một bàn cờ hình vuông, hai người ngồi hai bên nhưng chéo góc với bàn cờ, ý muốn nói, họ là những tay chơi cờ lão luyện. Người thứ nhất ngồi ở tư thế hai chân choãi ra, miệng cười tươi, nét mặt rạng rỡ, một tay cầm quân cờ vừa ăn được của đối phương, tay kia đặt vào quân cờ trên bàn cờ, bàn tay cong tớn, vẻ tinh nghịch, đắc thắng. Người thứ hai, một chân co một chân duỗi. Người này trán hói, mắt đuôi lươn, nét mặt ỉu xìu vì vừa thua một nước cờ bất ngờ hay mất những quân quan trọng. Hai chú bé phục vụ, một chú ngồi xếp bằng tròn, một tay cầm quạt, một tay đặt mép bàn cờ, miệng cười vui, hồn nhiên. Còn chú bé kia, ngồi nghiêng xóc lệch, mặt ngoảnh ra, miệng cười mỉm, tay chỉ vào bàn cờ, trông ngộ nghĩnh. Cạnh bàn cờ còn có một mâm bồng đế cao, trên để nậm rượu và hai cái chén. Điều độc đáo của bức chạm chơi cờ này, để thể hiện đề tài một cách tối ưu nhất, người nghệ nhân đã bố trí các nhân vật trên cùng một mặt phẳng mà không theo quy luật xa gần của tranh phong cảnh. Nhìn cảnh đánh cờ ở đây như treo lên vậy, vì thế mà các hình được miêu tả nổi bật ra, hiện lên rõ từng chi tiết nhỏ nhất, thể hiện được cả thái độ, tình cảm của mỗi người, thế cờ của mỗi bên…Để rồi miêu tả tổng thể thú vui uống rượu chơi cờ, phảng phất đâu đây cả mặt trái “cờ gian bạc lận”.
Bức chạm “đến hát nhà quan”: Miêu tả một gánh hát dân gian đang phục vụ ở nhà một viên quan. Gánh hát có ba người, một diễn viên và hai nhạc công. Diễn viên là nữ, trang phục đẹp, một tay cầm quạt, tay kia giơ cao, các ngón xòe ra, có lẽ cô đang trình diễn một bài chèo hay tuồng cổ nào đó. Hai nhạc công mặc áo thụng, một người thổi sáo, một người cầm tiêu. Khán giả là một ông quan, mặt béo người tròn, đội mũ cánh chuồn, đang chăm chú nghe hát. Bức chạm này được đục chạm công phu, bố cục chặt chẽ, các nhân vật được thể hiện với nét mặt nghiêm, vẻ gò bó, nói lên cảnh hát ở nhà quan, sang nhưng không thoải mái. Quan ở đây được miêu tả với hình dáng bé nhỏ hơn các diễn viên gánh hát - làm tăng thêm vai trò chủ thể của gánh hát.
Phía trước đình Ngọc Canh
Bức chạm "Đi săn" đình Ngọc Canh
Bức chạm “Đánh cờ” đình Ngọc Canh
Bức chạm “Dựng cột buồm” (bên phải ảnh) đình Ngọc Canh
Đình Tiên Canh
Xây dựng sau cùng, song đình Tiên Canh có quy mô lớn hơn hai đình Ngọc Canh và Hương Canh. Đình có bố cục mặt bằng hình chữ ‘Vương”, gồm 3 tòa kiến trúc: Tiền tế, đại bái và nhà hậu. Thể thức kiến trúc của đình Tiên Canh cũng giống như Hương Canh và Ngọc Canh, cột xà có kích thước lớn tạo cho đình một bộ khung hết sức đồ sộ.
Bên trái đình có một hồ rộng, diện tích 2.160 m2. Hồ được đào vào đầu thời Nguyễn để lấy đất đắp nền đình. Năm 2012, hồ được cải tạo sạch đẹp.
Về niên đại xây dựng, khi dỡ thượng lương nhà hậu xuống để phục chế, nét chữ khắc còn rõ rành rành “Cảnh Hưng tam thập thất niên, tuế thứ Bính Thân, thập nhị nguyệt, nhị thập nhị nhật, hoàng đạo thời, thụ trụ thượng lương đại cát lợi vượng thịnh” (Nghĩa là: Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 37, năm Bính Thân, tháng 12, ngày 22, giờ hoàng đạo, dựng cây nóc rất tốt lành, lợi vượng nhiều). Chiếu theo dương lịch, Bính Thân là năm 1776. Như vậy nhà hậu của đình được kiến tạo cách ngày nay (2022) đã 300 năm.
Câu đầu hữu biên cũ của đại bái khắc “Kỷ Mùi niên, thập nguyệt Ất Hợi, nhị thập nhật Đinh Mùi, Ất Tỵ thời, thụ trụ thượng lượng đại bái” (Nghĩa là: Năm Kỷ Mùi, tháng 10 Ất Hợi, ngày 20 Đinh Mùi, 10 giờ sáng Ất Tỵ, dựng cây nóc nhà đại bái). Như vậy, tòa đại bái đình Tiên Canh được xây cất vào niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8, triều Tây Sơn Nguyễn Quang Toản - 1799, cách ngày nay (2022) đã 223 năm, làm sau nhà hậu 23 năm.
Tới gần đây, do xuống cấp nghiêm trọng, đình Tiên canh được tu bổ, phục hồi đại quy mô, theo đúng cách thức kiến trúc cổ của di tích.
Nội thất đình Tiên Canh được người xưa tính toán rồi trang trí chạm trổ với kỹ thuật điêu luyện, nội dung tinh tế, tả cảnh sinh hoạt của con người, các con vật vũ trụ, kìm nghê, hoa lá cách điệu, như ở cửa võng thượng điện, các bức cốn, đầu bẩy...Đề tài trang trí ở đình Tiên Canh có điểm khác với đình Hương Canh và Ngọc Canh là đề tài về con người ít, chủ yếu là “tứ linh” (long, ly, quy, phượng), trong đó, hình rồng xuất hiện hầu hết trong trang trí ở đây. Rồng được thể hiện ở những tư thế khác nhau: rồng – mây, rồng hút nước, rồng ẩn, rồng cuốn cột, cá hóa rồng. Chẳng hạn ở cốn nách gian dĩ đại bái chạm hình rồng cách điệu, mình ẩn, đầu to, tai vểnh, răng nhe. Cốn nách ở tiền tế chạm “tứ linh” với rồng hút nước, lân bờm tóc dữ tợn, rùa đang bò miệng ngậm quyển sách, phượng bay cánh xòe rộng lả lướt. Bức “long cuốn thủy” tả cảnh một rồng mẹ đang hút cột nước, cạnh có rồng con đang ôm quả cầu.
Đặc biệt, trên cửa võng ở khám thờ trang trí toàn hình rồng. Cửa võng đình Tiên Canh rất độc đáo, là cửa kép, gồm hai lần cửa – trong và ngoài. Các cạnh của ba ô cửa ngoài trang trí 7 lớp hình cá hóa rồng. Các cạnh của ba ô cửa trong trang trí 8 lớp, mỗi lớp là một con rồng hoàn chỉnh, dài bằng chiều cao của cửa (1m50). Còn ở cột cửa (ô giữa) chạm một đôi rồng to đang cuốn chặt vào cột. Tính tổng thể, ở sáu ô cửa võng, có tới hơn 100 con rồng cùng tư thế song song nhau với cả rừng vây mác, trông rất uy nghi.
Có thể nói, chạm trổ ở cửa võng đình Tiên Canh là kiệt tác độc đáo về chạm khắc gỗ cổ dân gian thế kỷ XIX. Với đề tài chủ đạo – hình rồng, chạm khắc ở đình Tiên Canh đã phần nào phản ánh nội dung tư tưởng đa dạng của xã hội Việt Nam đương thời. Có người nói, hình rồng hút nước ở đình Tiên Canh là hình tượng cầu mưa của cư dân nông nghiệp. Cũng có người nói, hình rồng ở đình Tiên Canh chiếm tỷ lệ cao như thế, nói lên sự chuyên quyền của chế độ phong kiến Việt Nam, khi ấy luôn muốn đề cao uy quyền của mình để thống trị nông dân. Lại có người nói, hình rồng ở đình Tiên Canh, nhất là hình cá hóa rồng, phản ánh tình hình thi cử, ước mơ đỗ đạt của các nho sinh thuở trước như câu ca:
Mồng ba cá đi ăn thề
Mồng bốn cá về cá vượt vũ môn
Ở đình Tiên Canh có nhiều hình rồng và cá hóa rồng như thế, chứng tỏ từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đạo Nho ở nước ta đã lấn tới chi phối hệ tư tưởng trong xã hội đương thời.
Một góc tòa Tiền tế và Đại bái đình Tiên Canh
Bên trong tòa Tiền tế đình Tiên Canh
Bức chạm " Long cuốn thủy" đình Tiên Canh
Trong ngôn ngữ của người Việt, sự đồ sộ, hoành tráng của ngôi đình thường được dùng làm hình tượng so sánh, ví với những vật thể to lớn hay công việc trọng đại trong cuộc sống, chẳng hạn như: “việc tày đình”, “to bằng cột đình”, hay “Qua đình ngả nón trông đình/Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”.
Ba ngôi đình ở Hương Cảnh quả là như vậy!