DI SẢN VĂN HÓA "HÁT CA TRÙ" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
14:54 - 30/08/2022
DI SẢN VĂN HÓA "HÁT CA TRÙ" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
Ca trù là loại hình diễn xướng rất thịnh hành từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung B
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU HỌC SINH, SINH VIÊN DTTS TIÊU BIỂU XUẤT SẮC NĂM HỌC 2023-2024
LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN MỚI TẠI CHI BỘ BẢO TÀNG TỈNH VĨNH PHÚC
NGÀY 10/10/1954-MỐC SON RỰC RỠ TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC
LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA PHÒNG GIÁO DỤC THÀNH PHỐ VĨNH YÊN
LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN MỚI TẠI CHI BỘ BẢO TÀNG TỈNH VĨNH PHÚC
NGÀY 10/10/1954-MỐC SON RỰC RỠ TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC
LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA PHÒNG GIÁO DỤC THÀNH PHỐ VĨNH YÊN
DI SẢN VĂN HÓA "HÁT CA TRÙ" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
Ca trù là loại hình diễn xướng rất thịnh hành từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc. Ca trù là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm, trong đó phổ biến nhất là hát nói, sử dụng ba nhạc khí đặc biệt là đàn đáy, phách và trống chầu. Ca trù gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt... Năm 2009, Hát ca trù của người Việt đã được ghi vào Danh mục các di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO. Năm 2012, Hát ca trù được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Kinh (Việt). Có 15 tỉnh, thành trên cả nước còn có hoạt động thực hành, các nghệ nhân, câu lạc bộ, hiện vật liên quan đến di sản, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc.
Từ "ca trù" được cho là lấy từ chữ Hán - Nôm: 歌籌 nghĩa là lối hát bỏ thẻ tre, người nghe hát thấy chỗ nào hay thì ném thẻ cho đào hát. Ca trù còn có những cái tên khác như: Hát cửa đình, hát nhà trò (hát ở đình, đền, miếu), hát cửa quyền (trong cung phủ), hát nhà tơ (hát ở dinh quan, tư gia các gia đình quyền quý), hát ả đào, hát cô đầu (hát ở các ca quán)... Trước kia, Vĩnh Phúc có khoảng 200 đình làng có tục hát cửa đình. Theo một số nhà nghiên cứu nhận định, hát cửa đình ở Vĩnh Phúc, nhất là các xã ven sông Lô, sông Hồng thuộc các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Vĩnh Tường, thường là hát xoan, hát trống quân. Tuy nhiên, có rất nhiều làng xã mời các phường hát ca trù về biểu diễn thờ thần và phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân. Có nhiều tài liệu lịch sử khẳng định sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật hát ca trù ở Vĩnh Phúc vào thời Lê - từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, theo kết quả khảo sát điền dã của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện nay có 22 văn bia có ghi nội dung về mua bán quyền hát cửa đình. Đây là một loại hình văn bản mua bản quyền mang tính độc đáo của người dân trong vùng, gắn với kiểu thức bỏ thẻ tre cho đào hát. Nghĩa là khi biểu diễn tại các cửa đình (dùng đình làm sân khấu), người ta không thu tiền trực tiếp theo kiểu bán vé xem ca nhạc như hiện nay, thay vào đó là thu tiền gián tiếp theo thẻ. Thẻ thu tiền chữ Hán - Nôm gọi là “trù tiền” (có lẽ đây là nguyên do tên gọi "ca trù"). Thẻ làm bằng tre có đánh dấu mỗi thẻ tương ứng với số tiền, do giáo phường và địa phương nơi có cửa đình thống nhất quy định, thông thường là 3 quan. Cứ đến đoạn diễn hay thì người cầm trịch lại chủ trì giơ một chiếc thẻ cho khán giả biết rồi ném vào thùng đựng thẻ. Sau buổi diễn, căn cứ vào số thẻ mà địa phương trả thù lao cho các giáo phường. Ngoài ra còn có ghi chép về tục hát cửa đình trong ngọc phả, xã chí, hương ước của các làng, xã trên địa bàn tỉnh.
Nhiều giáo phường được lập nên ở các địa phương như: Vĩnh Tường, Lập Thạch, Vĩnh Yên. Nhiều làng, xã nổi tiếng về ca trù như làng Định Trung (Vĩnh Yên), làng Xuân Hòa (Cao Minh, Phúc Yên), xã Sơn Đông (Lập Thạch), làng Khách Nhi (Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường)…. Vĩnh Tường, Lập Thạch, Vĩnh Yên là nơi có các phường hát nổi tiếng, đi hát khắp các cửa đình trên địa bàn tỉnh, hơn nữa còn đi hát ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội, Hà Tây (xứ Đoài xưa), Phú Thọ, Tuyên Quang… vào những ngày hội xuân. Có nhiều gia đình, dòng họ chuyên hát ca trù như dòng họ Phạm ở xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, dòng họ Định ở phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên. Làng Giáo Phường ở xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch đã từng được biết đến với rất nhiều đào nương. Nơi đây xưa còn có đền thờ ca công - thờ tổ nghề hát ca trù là vợ chồng Đinh Lễ và Bạch Hoa. Nhưng đến năm 1945, đền bị đốt cháy, sau thời gian đó, các nhà hát, giáo phường ở Vĩnh Phúc cũng ngừng hoạt động.
***
Tính đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã trình hồ sơ và được Chủ tịch nước quyết định tặng Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 03 nghệ nhân loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát ca trù (năm 2015). Tuy nhiên 02 trong số 03 nghệ nhân đã qua đời (Nghệ nhân ưu tú Đỗ Thị Dị ở xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch; nghệ nhân ưu tú Đặng Thị Thục ở phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên). Hiện chỉ còn Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Duyệt, sinh năm 1920, hiện ngụ tại xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, vốn là người sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hát ca trù ở xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường. Năm 19 tuổi, nghệ nhân Phan Thị Duyệt đã làm chủ nhà hát ở nhiều nơi như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, vào thời điểm lập hồ sơ đề nghị phong tặng nghệ nhân, cụ vẫn nhớ và hát được các thể loại: Hát nói, hát mưỡn, tỳ bà, cung bắc, múa đèn, múa chúc hỗ... Nay cụ đã hơn 100 tuổi, tuổi cao sức yếu, không còn khả năng truyền dạy.
Trước nguy cơ hát ca trù có thể bị thất truyền, năm 2006, Trung tâm Văn hoá - Thông tin thuộc Sở Văn hóa và Thông tin Vĩnh Phúc (nay là Trung tâm văn hóa trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc) đã mở lớp học hát ca trù và mời cụ Đỗ Thị Dị (được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2015, nổi tiếng vì biết nhiều thể cách như: hát nói, hát mưỡn, gửi thư, phú lưu bình, tỳ bà, cung thét, cung bắc, thét bạc...) truyền nghề cho thế hệ trẻ. Các học trò của cụ đã hát được nhiều thể cách và đi biểu diễn tại các cuộc Liên hoan ca trù toàn quốc. Học trò của cụ là nghệ sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm (Trung tâm đã giành được 1 Huy chương vàng trong liên hoan ca trù toàn quốc năm 2007.
Toàn tỉnh có 01 câu lạc bộ Ca trù Vĩnh Phúc (thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành lập năm 2009) đang hoạt động với khoảng 20 thành viên. Từ năm 2009 đến nay, hàng năm, câu lạc bộ tổ chức thường xuyên các hoạt động như: sưu tầm, sinh hoạt và tập luyện định kỳ, tham gia các hoạt động liên hoan văn hóa văn nghệ quần chúng trong và ngoài tỉnh, tham gia các cuộc trình diễn và các Liên hoan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở tổ chức, tham gia và trình diễn thành công tại “Liên hoan Trình diễn các Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại” tại tỉnh Khánh Hòa năm 2019. Tuy nhiên đa số hoạt động chỉ dừng lại ở việc tập luyện, biểu diễn; hoạt động truyền dạy để trao truyền, lưu giữ di sản vẫn còn hạn chế.
Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh, việc bảo tồn và phát huy di sản Hát ca trù tại các địa phương truyền thống đã bị mai một, không còn người thực hành, duy trì. Hiện chỉ còn một số địa phương có báo cáo về việc duy trì hát ca trù như xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên; tuy nhiên trên thực tế di sản văn hoá này cũng đã từ lâu không còn được thực hành.
Ca trù vốn là một loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống rất kén người nghe, với những kỹ năng phức tạp, đòi hỏi người học phải rất tốn công sức khổ luyện mới có thể thành thục trong nghề nên không nhiều người có thể theo học được. Những nghệ nhân nắm rõ kỹ năng tri thức về loại hình di sản này rất ít về số lượng, tuổi lại cao, không có khả năng truyền dạy. Bởi nguyên do đó, di sản Hát ca trù ở Vĩnh Phúc đang đối mặt với những thách thức lớn về bảo tồn và phát triển trong đời sống đương đại. Trước tình hình này, rất cần phải đặt ra những nhiệm vụ cụ thể để bảo vệ, bảo lưu di sản, đồng thời có biện pháp để phát huy giá trị, đưa di sản ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
-------------------------------------------------Linh Ngã
Ảnh: Bia khắc văn tự mua bán quyền hát cửa đình ở đình Đức Lạp (Đức Bác), nay thuộc địa bàn xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Nguồn ảnh: chụp lại từ sách Nghiên cứu Văn bia Vĩnh Phúc, 2013 (tác giả: Nguyễn Hữu Mùi - Viện Nghiên cứu Hán Nôm)