CHÙA VĨNH KHÁNH - THÁP BÌNH SƠN
09:19 - 13/09/2022
CHÙA VĨNH KHÁNH - THÁP BÌNH SƠN
Đôi điều cảm nhận
Chùa Vĩnh Khánh, tục gọi là chùa Then, nằm trong địa phận xã Tam Sơn, bên bờ sông Lô. Phía trước chùa là tháp Bình Sơn (còn gọi là tháp Then theo t
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU HỌC SINH, SINH VIÊN DTTS TIÊU BIỂU XUẤT SẮC NĂM HỌC 2023-2024
LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN MỚI TẠI CHI BỘ BẢO TÀNG TỈNH VĨNH PHÚC
NGÀY 10/10/1954-MỐC SON RỰC RỠ TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC
LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA PHÒNG GIÁO DỤC THÀNH PHỐ VĨNH YÊN
LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN MỚI TẠI CHI BỘ BẢO TÀNG TỈNH VĨNH PHÚC
NGÀY 10/10/1954-MỐC SON RỰC RỠ TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC
LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA PHÒNG GIÁO DỤC THÀNH PHỐ VĨNH YÊN
CHÙA VĨNH KHÁNH - THÁP BÌNH SƠN
Đôi điều cảm nhận
Chùa Vĩnh Khánh, tục gọi là chùa Then, nằm trong địa phận xã Tam Sơn, bên bờ sông Lô. Phía trước chùa là tháp Bình Sơn (còn gọi là tháp Then theo tên nôm của chùa). Chùa và tháp có mối quan hệ gắn bó hữu cơ. Cùng với chùa, khởi đầu có thể tháp là nơi thờ Phật có tính chất tưởng niệm và sau đó còn là nơi để hài cốt các nhà sư. Các tầng của tháp đã tượng trưng cho mức độ chứng quả của người tu hành theo Phật đạo.
Chùa Vĩnh Khánh nằm trên một gò đất thấp, quay hướng Nam (hướng của Bát Nhã gắn với Thiện tâm). Cảnh quan đẹp đẽ, quang đãng, thích hợp với chốn Thiền lâm, mang tính thoát tục. Tên chùa Vĩnh Khánh có lẽ mới được gọi từ khoảng thế kỷ XVII về sau. Tuy nhiên hiện chùa không còn một dấu tích nào mang niên đại từ thế kỷ XVIII về trước, ngoài hai lớp đá mài được xếp làm bậc để bó vỉa ở phía trước chùa. Tượng Phật và Bồ tát bị làm một cách tùy tiện, không theo chất liệu truyền thống. Việc bày biện cũng không chuẩn mực: bộ Tam Thế đặt ngả nghiêng; tầng thứ 2 đặt tượng Di Đà phóng quang; trong khi đó Văn Thù và Phổ Hiền lại không làm trợ thủ cho Thích Ca; tại tòa tiền đường, tượng Đức Ông đặt ở bên phải, còn tượng Thánh Tăng lại đặt ở bên trái,…Như vậy là ngược với việc bài trí tượng trong một Phật điện thông thường. Đáng quan tâm ở đây là pho tượng Trừng Ác cưỡi trên lưng quỷ mang một vẻ đẹp dân gian đặc sắc, đây là một kiểu thức còn ít gặp trong bộ tượng Kim Cương ở nước ta.
Điểm nổi bật nhất của chùa Vĩnh Khánh chính là tháp Bình Sơn, được xếp hạng di tích Quốc gia từ năm 1962. Trong số những tháp còn lại hiện nay trên đất nước ta, chỉ còn tháp Bình Sơn là cao nhất. Tháp nằm phía trước chùa Vĩnh Khánh, chiều cao nay chỉ còn khoảng 15m. Tương truyền, tháp xưa cao 15 tầng, trên đỉnh có chỏm hình búp sen, tạo dáng vút lên trời xanh. Tuy nhiên, tháp nay đã mất chỏm và chỉ có 11 tầng đặt trên bệ tháp. Trong Niết bàn kinh, quyển 41, Phật có chỉ cách xây tháp là: “Tháp để thờ xá lị của Phật thì cất 13 tầng. Tháp thờ Bích chi Phật thì có 11 tầng. Tháp của vị A La Hán thì xây 4 tầng…”. Vậy nên, theo một số nhà khoa học thì có lẽ từ trước đến nay tháp chỉ có 11 tầng, và đây chính là tháp thờ Bích chi Phật hay Duyên Giác Phật, gắn với người đạt được quả do mình tự chứng ngộ, sau thời Thích Ca Mầu Ni.
Tháp hình vuông, cao khoảng 16,5m tính cả bệ tháp. Lòng tháp rỗng, các tầng tháp thu nhỏ dần đến đỉnh. Cạnh tháp ở tầng dưới cùng là 4,45m, ở tầng trên cùng là 1,55m. Người xưa đã dùng khoảng 13.200 viên gạch nung để xây tháp, gồm 2 loại: hình và hình chữ nhật. Phần móng tháp được đào sâu hơn 1m và xây bằng gạch vồ. Qua những khảo sát và nghiên cứu gần đây, có thể thấy gạch dùng để xây dựng tháp Bình Sơn là loại gạch được nung với độ lửa cao, rắn chắc như sành. Mặt ngoài các tầng tháp ốp gạch mịn mặt, màu đỏ sậm, có nhiều hình hoa văn trang trí. Những người thợ xây tháp đã sáng tạo những phương pháp lắp ghép độc đáo như: viên gạch được chế tác có mấu và có gờ chỉ sau đó ghép 2 viên gạch vào với nhau, hoặc tạo lỗ hình thang ở hai viên gạch xếp sát nhau làm thành một mộng cá và sau đó đổ chì vào mộng cá... để cho các viên gạch có thể gắn với nhau theo một chiều cao dựng đứng mà không cần vôi vữa.
Ở bốn mặt tháp đều trổ các cửa tò vò. Quan sát các tầng tháp thấp có thể thấy cửa tháp không có tượng kim cương ở 2 bên nữa mà thay vào đó là các đố hình chữ nhật kết nổi. Ở tầng tháp thứ nhất, trong mỗi đố có 3 ô tròn chứa hình rồng cuộn nổi trên nền dây hoa cúc. Ở tầng thứ 2 trở đi, trong mỗi đố hình chữ nhật ấy có hình đắp nổi một ngôi tháp nhỏ 5 tầng tỏa hào quang (tháp bồ tát). Còn theo các cụ già trong vùng thì ở mỗi ô cửa tò vò của các tầng thấp xưa kia đều có tượng Phật Bà. Điều này cho thấy đây là một cây tháp Phật giáo song hướng chung là đề cao tâm Bồ tát.
Điều đáng chú ý là càng lên cao các tầng tháp càng thu hẹp và thấp dần, với các hàng gạch khẩu bị rút bớt hoặc cắt xén các viên gạch trang trí hình tháp. Đặc biệt những viên gạch ở phía trên đỉnh được cắt xén một cách tùy tiện để thích hợp với sự thót lại của độ cao cây tháp. Hiện tượng cắt xén này theo cố GS.Từ Chi thì ít nhiều biểu hiện về sự suy thoái lòng tin và nhận thức về Phật đạo.
Nghệ thuật tháp Bình Sơn thể hiện ở những mảng trang trí nổi trên thân tháp. Mặt ngoài của gạch ốp đều có hình hoa văn với nhiều đề tài rất phong phú. Có viên gạch được khắc một hình trang trí, có hình lại do 2 viên hoặc 4 viên ghép lại. Những mảng trang trí này tập trung chủ yếu và hoàn chỉnh nhất ở những tầng dưới, giảm dần lên các tầng trên, do lợi thế về chiều ngang mặt tháp. Họa tiết hoa văn trang trí ở tháp Bình Sơn có nhiều kiểu dáng. Hoa văn hoa cúc giữa các hàng gạch khẩu tô điểm cho bệ tháp. Ở các khung viền quanh những hình trang trí lớn là những cánh hoa cúc hình dấu phẩy (vạch chìm hoặc khắc nổi) hay các sống cúc dây nhỏ. Những hàng diềm hình lá sòi. Hình cánh sen dẹo hay cánh sen ngửa lại được trang trí trên các hàng gạch mang tính chất như bệ đỡ, ngăn cách giữa các tầng khiến cho mỗi tầng tháp như được đặt trên một tòa sen. Hình lá lật uốn nổi dùng cho các khuôn cửa. Hình lá đề giữa các đấu (con sơn) 3 chạc trang trí bằng hoa dây uốn. Những đường diềm hình ô trám, đặt giữa là hoa văn mặt nhẫn v.v. Cách tạo hoa văn trang trí trên gạch tháp cũng hết sức đa dạng: Có thể dập khuôn hình hoa văn sẵn rồi dán hình vào gạch trước khi nung (rồng), hoặc lấy một dạng con dấu in thẳng vào mặt gạch (cánh hoa cúc hình dấu phẩy), hay cũng có thể lấy dao mỏng bằng cật tre, vạch khắc vào đất, gọt tỉa như thợ chạm khắc… Tạo nên những đường nét hoa văn rất tinh tế, phóng khoáng mà hình dáng chắc khỏe.
Việc nghiên cứu tìm hiểu nghệ thuật của tháp Bình Sơn dẫn đến vấn đề về niên đại của ngôi tháp. Xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất. Các nhà nghiên cứu người Pháp quy niên đại của công trình kiến trúc này vào khoảng thế kỷ VIII-XI, tức là từ thời thuộc Đường cho đến đầu triều Lý và ghép nó vào phạm trù “nghệ thuật Đại La”. Một số nhà khoa học Việt Nam dựa vào các đồ án trang trí mỹ thuật mà xếp nó vào thế kỷ XIV – thời Trần. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, một vài nhà nghiên cứu văn hóa mỹ thuật cổ truyền qua nghiên cứu, tìm hiểu, đối chiếu, so sánh về bố cục các tầng tháp… đã đưa ra nhận định: “Nếu trang trí cũng là “ngôn ngữ” tạo hình, thì “ngôn ngữ” của tháp Bình Sơn không phải là hồi âm của thế kỷ XIV. Theo chúng tôi, nó là tiếng vang của một thời kỳ muộn hơn, có nghĩa là, nó không sớm hơn thế kỷ XVI” (Trần Lâm Biền, 1974).
Tìm hiểu thêm một chút về “ngôn ngữ” tạo hình của tháp Bình Sơn, thấy: Các tầng mái của tháp Bình Sơn như kế thừa phong cách của tháp Phổ Minh (Nam Định) với hiện tượng giật cấp nhô ra (mái có 6 cấp nhô ra và phía trên có 2 cấp thụt vào). Từ tầng thứ 2 trở lên, phần diềm mái được làm to hơn những tầng dưới. Ở những diềm mái lại được thể hiện những hoa văn hình học có phần gần gũi với phong cách nghệ thuật thời Mạc và đầu thế kỷ XVII. Những đường diềm hình ô trám, đặt giữa lòng là hoa “mặt nhẫn” có vẻ tương đồng với hoa văn của một nhang án đá của chùa Nhạn Tháp (Hưng Yên), đồng thời cũng giống với hoa văn trên gạch hòn sớ, được xác nhận vào thế kỷ XVII ở chùa Đậu (Hà Tây). Những trang trí sư tử hí cầu của Bình Sơn khác xa những con “sấu đớp ngọc” đội tòa sen ở các bệ thời Lý. Trong nghệ thuật tạo hình nước ta, mức hiểu biết hiện nay về đồ án “sư tử hý cầu” chưa cho phép khẳng định điều gì, chỉ biết rằng, chúng ta gặp đồ án này trên quy mô phổ biến từ thế kỷ XVII, và càng về sau càng nhiều.
Trong khi đó, hình rồng trang trí ở tháp Bình Sơn là rồng có sừng và cuộn tròn mình, đầu rúc vào giữa, chân đạp ra ngoài, sống lưng có vây như răng cưa, một chân trước đưa lên nắm tóc trong tư thế ngộ nghĩnh, dường như đã có sự dân gian hóa. Trong trường hợp này, nó đã mang phong cách của motif “rồng vuốt râu” thời Hậu Lê. Mặt khác, những “sừng nhọn” và “u tròn” của tháp nhắc nhở đến “sừng” và “u” của chùa Ngo (Ba Vì – Hà Tây), hay cũng hao hao với “sừng” và “u” của chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) – đều là những sản phẩm của thế kỷ XVII. Một điểm nữa là những hàng diềm “cúc dây” trang trí ở tháp Bình Sơn đã bị ước lược đi nhiều so với cúc dây thời Lý và thời Trần., đường sống chính của cúc dây chỉ là một hình “sin” lượn nhẹ và hình họa không còn nữa., nó không khác mấy so với cúc dây trên các bia thế kỷ XVII ở Văn Miếu (Hà Nội)…
Như vậy, có lẽ dưới thời Mạc – thời kỳ bùng nổ của kiến trúc và mỹ thuật, tháp Bình Sơn đã xuất hiện như một di tích điển hình của đương thời.
Trải qua một quá trình tồn tại lâu dài, tháp Bình Sơn cũng thường xuyên được quan tâm và tu bổ, tôn tạo. Gần đây nhất, vào những năm 70 của thế kỷ trước (XX), một đợt đại tu được tiến hành, tuy có làm cho ngôi tháp vững chắc hơn, song cũng đã làm thay đổi bản chất của ngôi tháp. Nhiều viên gạch ở tầng đế không được phục hồi theo phong cách gốc; hoa văn trang trí chắp ghép, như xếp vào để lấy đẹp, hình thể một cách vô thức nhưng thực sự đã làm sai vị trí. Những cửa nhỏ của các tầng tháp bị bịt kín lại. Đây là một điều tối kỵ, bởi chùa và tháp đều quay về hướng Nam (chếch đông chút ít) – hướng của Bát Nhã, của Thiện tâm, của Trí tuệ, cửa mà bị bịt sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng không thông suốt trong lĩnh vực tâm linh.
Nhìn chung, tháp Bình Sơn là một điển hình cho di tích trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tháp đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu và các nhà khoa học. Tháp Bình Sơn, vừa là một ngôi tháp còn nguyên vẹn nhất cho đến hiện nay, vừa có giá trị tự thân về lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Và như vậy, trên tháp Bình Sơn, nét “đẹp tự thân đã hội tụ với niên đại, để nói lên sự vững bền của tính dân tộc trước những phong ba của lịch sử và thiên nhiên” (theo GS. Trần Lâm Biền)./.
Hồng Lĩnh – Quang Chắn
(Bài đã đăng trên Tạp chí Di sản văn hóa số 4 năm 2006)
Ảnh: Hồng Lĩnh chụp toàn cảnh khuôn viên tháp Bình Sơn - chùa Vĩnh Khánh năm 2005 - từ hướng tây Nam