LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG ĐÌNH LÀNG THẠC TRỤC THỊ TRẤN LẬP THẠCH, HUYỆN LẬP THẠCH

LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG ĐÌNH LÀNG THẠC TRỤC THỊ TRẤN LẬP THẠCH, HUYỆN LẬP THẠCH

LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG ĐÌNH LÀNG THẠC TRỤC THỊ TRẤN LẬP THẠCH, HUYỆN LẬP THẠCH

20:07 - 21/08/2022

LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG ĐÌNH LÀNG THẠC TRỤC

THỊ TRẤN LẬP THẠCH, HUYỆN LẬP THẠCH

Trong ngày chính lễ - ngày mùng 10 tháng Giêng, làng mở lễ hội “xướng ca”, leo cầu bắt chạch, là nội dung chính của lễ hội. Đây là tục hèm của đình làng Thạc Trục. Tục lệ bắt buộc phải có trong ngày khai xuân đầu năm của làng. Tên trước đây của lễ hội này là Lễ hội leo cầu, bóp vú, sau đổi thành leo cầu bắt chạch với mong muốn cầu đinh, cầu phúc, cầu lộ

LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA PHÒNG GIÁO DỤC THÀNH PHỐ VĨNH YÊN
CHIẾC ÁO - KỶ VẬT CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
TRẢI NGHIỆM VĂN NGHỆ DÂN GIAN TẠI VĂN MIẾU TỈNH VĨNH PHÚC
TRIỂN LÃM CHUYÊN ĐỀ VĨNH PHÚC LÀM THEO LỜI BÁC

LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG ĐÌNH LÀNG THẠC TRỤC

THỊ TRẤN LẬP THẠCH, HUYỆN LẬP THẠCH

Trong ngày chính lễ - ngày mùng 10 tháng Giêng, làng mở lễ hội “xướng ca”, leo cầu bắt chạch, là nội dung chính của lễ hội. Đây là tục hèm của đình làng Thạc Trục. Tục lệ bắt buộc phải có trong ngày khai xuân đầu năm của làng. Tên trước đây của lễ hội này là Lễ hội leo cầu, bóp vú, sau đổi thành leo cầu bắt chạch với mong muốn cầu đinh, cầu phúc, cầu lộc.

 

Với ý nghĩa là Lễ cầu tự (cầu con nối dõi tông đường - con trai) nghĩa là nội dung cầu con cho người hiếm hoi nói chung và những người có hoàn cảnh éo le: Vì không sinh con mà ảnh hưởng đến cuộc sống lứa đôi và hạnh phúc gia đình. Do vậy, những người phụ nữ đến xin “con thánh” thường đều là người có những nhu cầu bức thiết và đều được sự thoả thuận của chồng và gia đình nhà chồng một cách tự nguyện - đó là giá trị thực tiễn và giá trị nhân văn của lễ hội “Leo cầu - Bắt chạch”.

Có rất nhiều người xin làm lễ “quá kiều” nhưng không được quá hai cặp (hai nam - hai nữ), thường thì tại đình Thạc Trục, các cụ trong ban chi lễ chỉ nhận mỗi năm một đôi leo cầu bắt trạch mà thôi. Vì theo quan niệm chữ “Phúc Trạch” thánh chỉ “ứng” vào cặp thứ nhất, còn cặp nam - nữ thứ hai phúc lành chẳng còn được bao nhiêu, tuyệt nhiên không có cặp thứ ba. Do đó, những người hiếm hoi trong làng, hoặc ở các xứ, muốn vào xin cầu tự (con nối - con trai), đều phải xin với hội đồng tế lễ của làng Thạc Trục từ ngày 16 tháng 11 âm lịch năm trước, thì được nhận vào làm lễ “qua cầu” với thể thức trai trong làng, gái không giới hạn cho tất cả khắp nơi. Nữ phải còn trong độ tuổi sinh sản và chưa sinh con lần nào. Nam phải là người chưa có con hoặc chỉ sinh được con gái, chưa có con trai mới được leo cầu. Đặc biệt nam, nữ không phải là vợ chồng mà phải là phải từ hai gia đình hiếm muộn khác nhau.

Khi trở thành người may mắn tham gia vào lễ “qua cầu”, đảm bảo các yêu cầu về trang phục, nam trước đây đóng khố, ở trần, về sau được thay bằng quần áo cánh trắng, thắt lưng bao xanh, đầu búi tó, chít khăn đầu rìu, nữ mặc yếm, về sau thay bằng áo tứ thân mầu nâu tươi, thắt lưng tím màu hoa sim, đầu vấn khăn, bỏ tóc đuôi gà.

Những người xin “quá kiều”, phải sửa lễ trình thánh gồm xôi, gà, nam một lễ, nữ một lễ. Lễ của người “quá kiều” được dâng sau lễ tế chính của làng. Khi cúng xong, các lễ cầu được hạ xuống chiếu trước đình, từng cặp nam nữ cầu tự cùng ngồi ăn chung một mâm, như những cặp vợ chồng trước cửa thánh.

 Lễ hội được bắt đầu khi cây cầu làm bằng gỗ cong hình khum dài 5m, rộng 20cm, sơn son thếp vàng, hai đầu cầu được chôn cách mặt đất 40cm làm điểm bước lên cầu, trước cổng đình - gọi là “giang cầu”. Hội đồng tế lễ làng Thạc Trục phải thực hiện nghi thức leo cầu trước, mỗi bên là 3 cụ trong ban chi lễ, mặc quần áo tế, một người đứng trên cầu 2 người còn lại đứng hai bên người trên cầu cho khỏi ngã, hai người đều mặc trang phục lễ (có màu xanh, đầu đội mũ) - gọi là “ông chầu”, với ý nghĩa là thông cầu vào hội. Ngoài 6 cụ tham gia leo cầu, mỗi bên đầu cầu sẽ có 1 cụ ông (trong ban chi lễ) và 1 cụ bà (vãi trong chùa) hát ví và di chuyển theo người leo cầu. Xung quanh cầu sẽ là các vãi cầm cờ hội đứng vây quanh. Sau mỗi câu hát là hai cụ ở hai đầu cầu tiến lại và giao nhau ở giữa cầu rồi đi tiếp về hướng cầu bên kia. Nghi thức hèm này được thực hiện lặp đi lặp lại 3 lần.

Sau khi các cụ trong ban chi lễ thực hiện nghi thức hèm leo cầu thì mới đến đôi nam nữ leo cầu. Cầu giang xong, hai cặp “ông chầu” đỡ cặp nam nữ leo lên đứng ở hai đầu, trai đứng bên đông gái đứng bên tây. Theo quan niệm dân gian, trai hành dương thuộc phương đông hướng của mặt trời mọc, nữ hành âm thuộc phương Tây hướng mặt trời lặn, thể hiện sự hài hòa âm dương, cầu sinh được con trai. Khi đôi nam nữ chuẩn bị xong, cầu được giang, các cụ trong ban chi lễ hát các câu hát xướng ca đã được lựa chọn sẵn trở thành hèm tục:

Câu 1:

Cho bên nam: “Anh đi qua đình ghé nón trông đình

                 Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”

Cho đối nữ: “Em đi qua cầu ngả nón trông cầu

                Cầu bao nhiêu nhịp, em sầu bấy nhiêu”

Câu 2:

Cho nam hát: “Đôi ta như rắn liu điu

                Nước chảy mặc nước ta dìu lấy nhau”

Cho nữ đối: “Đôi ta như cá thờn bơn

                Nằm trên bãi cát gặp cơn mưa rào”

Câu 3:

Cho nam hát: “Bấy lâu vắng mặt khát khao

              Bây giờ tình nghĩa làm sao hỡi mình”

Cho nữ đáp: “Bấy lâu vắng mặt khát khao

             Bây giờ gặp mặt em trao khăn hồng”.

Cờ dong, trống mở, người đứng xem chật cứng cả sân đình, nam từ một đầu cầu, nữ từ một đầu cầu cùng đi lên. Người nam đi từ đông sang tây, người nữ đi từ tây sang đông, đến giữa cầu thì ôm lấy nhau, bóp vú rồi đổi bên. Thực hiện ba lượt leo lên leo xuống như thế là xong lệ.

Xong lệ “leo cầu”, cặp nam nữ “cầu tự” vào sân đình lễ Thánh sau đó thực hiện lễ “Bắt chạch trong chum”. Ở giữa chiếc chiếu trải giữa sân đình, bày sẵn một cái chum sành nhỏ, màu da lươn cao khoản 50 – 60 cm, trong chum có 2 phần 3 nước lã trong chum, thả một con chạch chấu vào trong nước làm vật thiêng. Con chạch này là do cụ thủ từ bố trí từ khi có người đăng ký (cụ thủ từ nhốt 2, 3 con chạch để chuẩn bị cho lễ hội).

Đôi nam nữ “cầu tự” ngồi xuống, ngoảnh mặt vào trong đình, bên chiếc chum. Người nam một tay ôm búp vú của người nữ, một tay thò vào trong chum khoắng nước mục đích là xua con chạch chạy lung tung, khó bắt được. Người nữ một tay ôm ngang lưng người nam, một tay thò vào trong chum tìm bắt con chạch.

Trong lúc này cờ phất, trống giục, người xem vây xung quanh reo hò ầm ĩ, còn người nam thì vừa xua con chạch chạy, vừa bóp bú người nữ, gọi là Hội. Trò chơi cứ tiếp tục đến khi người nữ bắt được con chạch thì thôi, rồi sau đó, cặp nam nữ vào làm lễ tạ Thánh.

“Tục lệ này thiêng lắm, chóng bắt được chạch thì ngay sau đó, về nhà người nữ chóng mang thai và sinh con”.

Thường mỗi năm, hội đồng tế lễ làng Thạc Trục chỉ nhận cho một cặp thật hiếm hoi, thật cần thiết như: vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không sinh con; những người sinh con một bề, cần con nối dõi (con trai) gọi là “cầu tự” nên ít khi nhân cho cặp thứ 2 vào “leo cầu” vì ít phúc.

Leo cầu bắt chạch cầu đinh là một tục lệ hèm bắt buộc, không được thể thiếu, không thể bỏ của lễ hội làng Thạc Trục. Trước đây, có rất nhiều cặp hiếm muộn đăng ký, nhưng nhiều lý do khách quan, một phần là do tâm lý ngại ngùng xấu hổ, một phần là do sợ lời bàn tán từ xã hội nên ngày nay rất ít những người đăng ký tham gia, hoặc là đăng ký rồi nhưng đến lúc thực hiện lại không làm. Có những năm không có ai đăng ký tham gia. Để khắc phục, các cụ trong ban chi lễ hiện nay phải thuê văn công đóng và trình diễn tục hèm này. Chính vì lý do trên mà tục “leo cầu bắt chạch cầu đinh” hiện nay của đình Thạc Trục một số năm gần đây mang tính chất trình diễn, tục bóp vú không được thực hiện mà chỉ ôm eo tượng trưng, chính điều đó làm mất đi tính thiêng của tục lệ này.

Ngoài Thạc Trục, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng có tổ chức trò bắt chạch trong chum như ở Tú Trưng (Vĩnh Tường), nhưng ở đây bắt chạch trong chum là trò chơi, nhiều đôi nam nữ thi đấu với nhau. Hay ở Tiến Thắng (Mê Linh) lại xuấ phát từ việc hai vợ chồng mơ thấy vị tướng nói về việc chơi trò này và bắt chạch để cầu con trai. Tuy nhiên tính thiêng, và sự thể hiện tín ngưỡng phồn thực ở các địa phương trên không có hoặc rất ít, không nổi bật và đặc sắc như ở đình làng Thạc Trục.

  Nghi lễ truyền thống đình làng Thạc Trục và lễ hội leo cầu bắt chạch cầu đinh ở đây đã trở thành tín ngưỡng văn hóa ở làng quê, yếu tố tâm linh từ ngàn xưa không thể tách khỏi cộng đồng sinh hoạt làng xã. Đây là một cách để ông cha ta kể lại cho con cháu nguồn gốc, lịch sử cũng như các giá trị văn hóa, xã hội của làng. Hơn nữa đây còn là dịp để nhân dân trong làng thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông ta để lại.