BẢO VẬT QUỐC GIA THÁP GỐM MEN CHÙA TRÒ
09:24 - 13/09/2022
BẢO VẬT QUỐC GIA THÁP GỐM MEN CHÙA TRÒ
Tháp có nguồn gốc xuất xứ tại chùa Trò, tên chữ Đại Phúc tự, tên di tích là chùa Dân Trù (di tích xếp hạng cấp tỉnh năm 1994), thuộc thôn Dân Trù, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc.
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU HỌC SINH, SINH VIÊN DTTS TIÊU BIỂU XUẤT SẮC NĂM HỌC 2023-2024
LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN MỚI TẠI CHI BỘ BẢO TÀNG TỈNH VĨNH PHÚC
NGÀY 10/10/1954-MỐC SON RỰC RỠ TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC
LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA PHÒNG GIÁO DỤC THÀNH PHỐ VĨNH YÊN
LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN MỚI TẠI CHI BỘ BẢO TÀNG TỈNH VĨNH PHÚC
NGÀY 10/10/1954-MỐC SON RỰC RỠ TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC
LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC BẬC TIÊN THÁNH, TIÊN HIỀN, DANH NHÂN KHOA BẢNG VÀ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "THI ĐÌNH THỜI LÊ - ĐỈNH CAO KHOA CỬ VIỆT NAM"
LỄ DÂNG HƯƠNG CỦA PHÒNG GIÁO DỤC THÀNH PHỐ VĨNH YÊN
BẢO VẬT QUỐC GIA THÁP GỐM MEN CHÙA TRÒ
Tháp có nguồn gốc xuất xứ tại chùa Trò, tên chữ Đại Phúc tự, tên di tích là chùa Dân Trù (di tích xếp hạng cấp tỉnh năm 1994), thuộc thôn Dân Trù, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc. Năm 1954, ngôi chùa bị giặc đốt cháy, đồ thờ tự bị thất tán, tháp bị vứt xuống ao. Sau khi hòa bình lập lại, nhân dân đã vớt cây tháp lên và chuyển giao cho Bảo tàng tỉnh để bảo tồn và phát huy giá trị.
Tháp có kích thước cao 156cm, đế rộng 50cm x 50cm, trọng lượng 130kg, được làm bằng gốm, tráng men ba màu: xanh ngọc, trắng và nâu. Tháp có dạng một khối hình trụ vuông, lòng tháp rỗng, thu nhỏ dần từ phần chân đế lên phía đỉnh. Phần tháp còn lại hiện nay có chín tầng. Bốn mặt các tầng tháp đều có cửa hình tò vò. Toàn bộ tháp được trang trí hoa văn, mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Trần, khoảng thế kỷ XIV.
Tháp gốm men chùa Trò gồm có ba phần: Đế tháp, bệ tháp và thân tháp.
Đế tháp gồm bốn khối tương tự nhau, sau đó ghép lại thành một khối hộp vuông. Phần dưới cùng của đế tháp là một băng dài trang trí hình hoa văn cánh sen nổi và nghiêng, đầu cánh sen uốn cong mềm mại, phủ men xanh ngọc, phía trên băng cánh sen là các ô hộc trang trí cúc dây, hoa sen, điểm xuyết hoa văn tay mướp, phủ men màu trắng đục. Trên cùng là một phần đế thấp phủ men trắng, không trang trí hoa văn.
Bệ tháp cũng là một khối hộp hình vuông, bốn góc có chân quỳ trang trí hình lá đề được khắc chìm, tô men nâu bên trong. Đây là kỹ thuật đặc trưng của gốm hoa nâu thời Lý - Trần, dòng gốm duy nhất riêng có ở Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV. Trên chân quỳ là hai băng hoa văn cánh sen kép men ngọc, đúc nổi, được bố cục theo kiểu úp - ngửa, ngược chiều nhau, cùng đỡ phần khối hộp vuông phủ men nâu trên nền trắng có vân mây mờ, khối này được trang trí bằng các hình xoắn móc, hình ô-van với hoa văn dây lá, sừng tê, ngọc báu chạm nổi bên trong.
Thân tháp gồm có 9 tầng. Tầng thứ nhất có hai lớp mái lợp ngói ống, tráng men nâu, trang trí bằng các hình Phật trong tư thế Thiền định. Diềm mái trang trí hình rồng chầu vào hình tam giác. Dưới mái là hệ thống xà và con sơn, trang trí bằng các hình cánh sen đầu tròn cách điệu, hoa văn “nhũ đinh” được phủ viền men nâu. Điều đáng chú ý là tầng trên cùng của con sơn có trang trí hình tiên nữ mặt người mình chim, một mô-típ khá phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc thời Lý - Trần, nhưng do được tạo tác trên chất liệu gốm men nên đã làm cho hình trang trí mười hai tiên nữ ở ngôi bảo tháp chùa Trò có những nét riêng biệt, khác lạ. Tầng này có bốn cửa hình vòm mở ra ở chính giữa bốn mặt tháp. Trước mỗi cửa có tượng hai vị kim cương, trang bị giáp, kiếm, rất giống với hình tượng kim cương trang trí cho cây tháp Sùng Thiện Diên Linh nổi tiếng thời Lý ở chùa Đọi Sơn (Long Đọi Sơn), tỉnh Hà Nam. Trang trí tháp ở tầng này còn nổi bật ở họa tiết rồng giáng ở hai bên cửa tháp, thân rồng uốn lượn, nổi lên trên nền men trắng. Rồng có thân uốn hình sin, bờm và mào lửa bay về trước, mang đặc trưng nổi bật của nghệ thuật trang trí rồng thời Trần, thế kỷ XIV. Tám tầng tháp bên trên tương đối giống nhau về phong cách kiến trúc và trang trí hoa văn. Mái ở lợp ngói ống, trang trí hoa cúc nổi bảy cánh, diềm mái khắc chìm hồi văn kỷ hà (hoa văn thường gặp trên đồ đồng thời Đông Sơn). Tượng Phật trên diềm mái vẫn là mô típ chủ đạo trên tháp chùa Trò, tương đồng với tượng Phật trong hình lá đề bằng đất nung phát hiện được ở chùa Bà Tấm (Gia Lâm - Hà Nội). Ngoài ra còn có hình tượng Phật ngồi thiền trên toà sen. Với tổng số 427 tượng Phật bố trí từ trên xuống dưới, tạo nên cảm giác tầng tầng, lớp lớp, 4 phương, 8 hướng, đâu đâu cũng có hình ảnh Đức Phật. Men phủ trên những tầng tháp này cũng giống như toàn bộ cây tháp, đều là sự phối hợp hài hòa giữa các màu men: xanh ngọc, trắng và nâu. Người thợ gốm bằng tài hoa của mình đã tạo nên một tác phẩm thờ tự mang đậm nghệ thuật đặc trưng của Phật giáo Thiền Tông.
Đánh giá về giá trị tiêu biểu của Tháp gốm men chùa Trò, các nhà nghiên cứu đã nhận định: Có thể nói, sau thế kỷ X, gốm men Đại Việt có một bước đột phá ngoạn mục, với sự hoàn thiện dường như tất cả các dòng gốm men: men ngọc, men trắng, men nâu, men lục nhẹ lửa, gốm hoa nâu… Đây là thời kỳ được hai nhà gốm sứ học hàng đầu thế giới Jonh Stevenson và Jonh Guy lấy làm bản lề để xây dựng nên một danh xưng: “Gốm Việt Nam - một truyền thống riêng biệt”. Đứng trên phương diện ấy, tháp gốm men chùa Trò là một đại diện tiêu biểu, xuất sắc, minh định cho ý kiến của hai nhà nghiên cứu nêu trên. Tháp gốm men chùa Trò với những đề tài trang trí đậm sắc màu Phật giáo, đã phản ánh một thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam, khi tôn giáo này được hai triều Lý và Trần tôn vinh thành Quốc giáo. Những đề tài trang trí trên tháp, mang đậm chất nhà Phật, nhưng lại là sự mở đầu, làm cơ sở cho nghệ thuật của các triều đại sau lấy cảm hứng để tiếp thu và sáng tạo. Hoa văn trang trí trên tháp còn phản ánh sự dung nạp nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa và Chăm Pa của người Việt với một thái độ mềm dẻo, nhưng cũng khẳng định sự kế thừa những yếu tố truyền thống Đông Sơn trước đó hơn một nghìn năm, được biểu hiện qua băng hoa văn kỷ hà, khắc họa trên diềm mái các tầng trên của tháp. Tuy còn mờ nhạt, nhưng tháp gốm men chùa Trò trên sưu tập gốm thời Lý - Trần đã trở thành một hiện tượng nổi trội, được giới nghiên cứu khẳng định từ nhiều thập niên trước. Cùng một lúc, ba màu men cơ bản của gốm men thời Lý - Trần xuất hiện đồng thời trên tháp. Đây là mốc đánh dấu cho điểm khởi phát của dòng gốm men đa sắc Việt Nam, làm tiền đề phát triển cho các dòng gốm tam thái, ngũ thái thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Tây Sơn và thời Nguyễn.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và ý nghĩa hiện vật độc bản có hình thức độc đáo, Tháp gốm men chùa Trò đã được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 24/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện nay bảo vật Tháp gốm men chùa Trò được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc.
Linh Ngã (theo hồ sơ Bảo vật quốc gia - Bảo tàng tỉnh)